Loãng xương một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Nhưng hiện nay tỉ lệ gãy xương do loãng xương ở nước ta cao hơn cả đột quỵ, ung thư vú, và đau tim. Nữ từ 50 tuổi trở lên cứ 3 phụ nữ có 1 người bị loãng xương. Nam khoảng 60 tuổi trở lên, cứ 5 người có 1 người bị loãng xương. Số người loãng xương vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm ở nước ta. Vì vậy, việc có kiến thức về loãng xương và nhận biết đối tượng dễ bị loãng xương giúp chúng ta dự phòng bệnh tốt hơn. Doctor4U sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề này."/>
Loãng xương là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương với đặc điểm khối lượng xương giảm sút, vi cấu trúc của xương bị hư hỏng, dẫn đến tình trạng xương bị yếu và hệ quả là tăng nguy cơ gãy xương.
Biểu hiện lâm sàng của loãng xương thường kín đáo, diễn biến âm thầm không có triệu chứng sớm cho đến khi gãy xương hay giảm chiều cao. Các biểu hiện sớm như tụt nướu, móng tay yếu và dễ gãy, sức mạnh nắm tay suy yếu…tuy không đặc hiệu nhưng cũng không nên bỏ qua. Người bệnh thường được chẩn đoán tình cờ khi chụp X-Quang ngực bụng.
Các triệu chứng đầu tiên của loãng xương có thể liên quan đến quá trình xẹp đốt sống, gãy cổ xương đùi hoặc gãy xương ngoại vi.
– Đau xương: Thường đau ở vùng xương chịu lực nhiều của cơ thể như cột sống thắt lưng, chậu hông, đau nhiều nếu sau chấn thương, đau âm ỉ nếu là tự phát. Đau có tính chất cơ học: Đau tăng khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu; giảm khi nằm nghỉ. Bệnh có thể biểu hiện đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, không lan, không có triệu chứng chèn ép thần kinh kèm theo, đau xuất hiện khi có một đốt sống mới bị xẹp hoặc đốt sống ban đầu bị xẹp nặng hơn.
– Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài, đau mỏi cơ bắp, hiện tượng chuột rút ở các cơ.
– Đầy bụng, chậm tiêu, chướng hơi, nặng ngực khó thở.
– Gãy xương: Vị trí hay gặp là đầu trên xương đùi, xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay.
– Thăm khám thực thể có thể thấy: Biến dạng cột sống như gù, quá cong ra phía trước, chiều cao giảm so với lúc trẻ, hạn chế vận động cột sống, gõ hoặc ấn vào gai sau của cột sống người bệnh thấy đau trội lên. Không thấy các dấu hiệu toàn thân, thường kèm theo các bệnh khác của tuổi già như tăng huyết áp, thoái hóa khớp, xơ vữa động mạch…
Người bị loãng xương ở giai đoạn sớm có thể thấy hình ảnh tăng thấu quang khi chụp X-Quang. Ở giai đoạn muộn sẽ có các hình ảnh như: Biến dạng đốt sống với hình lõm mặt trên, hình thấu kính phân kỳ, hình chêm, hình lưỡi, xẹp lún đốt sống.
Hiện nay, phương pháp hấp phụ năng lượng tia X năng lượng kép (Dual Energy Xray Absorptiometry – DEXA, DXA) được xem là phương pháp chuẩn để chẩn đoán loãng xương.
Chẩn đoán |
Tiêu chuẩn (mật độ xương đo bằng phương pháp DEXA – T score) |
Bình thường |
Chỉ số T > – 1 |
Thiểu xương |
– 2.5 < Chỉ số T < – 1 |
Loãng xương |
Chỉ số T ≤ – 2.5 |
Loãng xương nặng |
Chỉ số T ≤ – 2.5 và có tiền sử gãy xương gần đây |
Hậu quả cuối cùng của loãng xương là gãy xương. Gãy xương do loãng xương gây ra có thể xảy ra trong bất kỳ hoạt động nào trong cuộc sống bởi chất lượng xương đã suy giảm. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người bệnh. Bởi nó khiến người bệnh đau và giảm chiều cao đáng kể, khiến mất khả năng tự mặc quần áo, đứng lên và đi lại. Từ đó mất đi khả năng sống độc lập. Gãy xương hông liên quan đến nguy cơ tử vong 1 cách đáng kể. Chưa kể đến hậu quả tâm lý khiến người bị gãy xương nằm bất động do sợ ngã và bị gãy thêm. Việc điều trị gãy xương khá tốn kém, làm hao mòn kinh phí của gia đình và nhà nước. Vì vậy cách điều trị loãng xương tốt nhất, đó là dự phòng loãng xương.
Loãng xương là một bệnh lý chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, vì vậy tất cả phụ nữ sau mãn kinh và nam giới trên 50 tuổi cần được đánh giá nguy cơ loãng xương. Đối tượng có các yếu tố nguy cơ sau dễ mắc loãng xương:
– Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu calci hoặc tỷ lệ calci/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D…Vì vậy khối lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh loãng xương.
– Cơ thể thấp bé, nhẹ cân. BMI < 18.5 kg/m2.
– Tiền sử gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương.
– Cao tuổi: Phụ nữ sau mãn kinh và nam sau 50 tuổi có nguy cơ gãy xương gia tăng so với những cá nhân dưới 50 tuổi.
– Phụ nữ sinh từ 3 con trở lên hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh do sự giảm đột ngột Estrogen làm tăng quá trình hủy xương.
– Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, ít vận động lâu ngày do bệnh tật hoặc do nghề nghiệp.
– Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá…làm tăng thải calci qua đường thận và giảm hấp thu calci ở đường tiêu hóa.
– Bị mắc một số bệnh: Thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…), bệnh nội tiết: Cường giáp, cường tuyến cận giáp, cường vỏ thượng thận, bệnh mạn tính đường tiêu hóa làm hạn chế hấp thu calci, vitamin D, protein … làm ảnh hưởng chuyển hóa calci và sự tạo xương, bệnh suy thận mạn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất calci qua đường tiết niệu, các bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
– Sử dụng dài hạn một số thuốc: Chống động kinh (Dihydan), thuốc điều trị đái tháo đường (Insulin), thuốc chống đông (Heparin), đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tới Doctor4U qua địa chỉ hotline: 0936.5161.212 hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn.