Tin tức

Sốt xuất huyết có thể bị tái nhiễm hay không?

Ngày cập nhật: 15/12/2022

Nhiều người chủ quan cho rằng sốt xuất huyết chỉ bị một lần trong đời. Nhưng thực tế, sốt xuất huyết có thể bị nhiều lần và những lần sau còn nguy hiểm hơn những lần trước. Hãy cùng DOCTOR4U tìm hiểu sự thật về sốt xuất huyết qua bài viết dưới đây.

1. Sốt xuất huyết có thể tái nhiễm không? 

Sốt xuất huyết là bệnh lý do virus Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 type là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là do virus Dengue Type D1, và D2 gây nên, sau đó là D3, D4. Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời đối với type đã mắc. Tuy nhiên, người bệnh không có miễn dịch chéo với các type virus còn lại, do đó vẫn có thể sốt xuất huyết tái nhiễm với các type khác. Mỗi người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời, tương ứng với 4 type của virus. 

Sốt xuất huyết tái nhiễm lần hai thường nguy hiểm hơn lần đầu do bệnh diễn tiến nặng hơn, bất thường hơn. Bệnh nhân cần được theo dõi sát sao, đặc biệt những người có bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch, gan thận… hoặc phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi… 

Ở lần đầu mắc bệnh, người bệnh thường mắc sốt xuất huyết do virus type D1 gây ra – type cổ điển với những diễn biến lâm sàng nhẹ. Các triệu chứng của bệnh thường là: mệt mỏi, nhức đầu, xuất huyết ít và thời gian mắc bệnh ngắn. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh sẽ có kháng thể suốt đời với type D1. Những lần mắc bệnh sau, người bệnh mắc các type huyết thanh khác, do đó cơ thể tồn tại song song 2 loại kháng thể. Hai loại kháng thể ngày có thể xảy ra xung đột gây nên phản ứng tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu gây ra các biểu hiện nặng hơn như: choáng váng, xuất huyết, thậm chí truỵ tim. 

2. Những con đường lây lan của sốt xuất huyết 

Sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh mà lây nhiễm qua các đường sau: 

Con đường lây lan sốt xuất huyết

2.1. Lây bệnh do muỗi Aedes Aegypti đốt 

Đây là đường lây truyền phổ biến nhất, thông qua trung gian lây bệnh là muỗi vằn Aedes Aegypti. Muỗi vằn sau khi hút máu người bệnh hoặc người lành mang bệnh (không có triệu chứng), sau đó đốt (chích) người khỏe mạnh sẽ đưa virus vào cơ thể và gây bệnh. 

2.2. Lây bệnh qua đường máu 

Đường lây này ít phổ biến hơn so với lây bệnh do muỗi vằn đốt. Người lành có nguy cơ mắc bệnh cao nếu lấy máu của người mang mầm bệnh truyền qua người lành, hoặc khi người lành và người bệnh dùng chung bơm kim tiêm. 

2.3. Các đường lây truyền khác 

Một số đường lây truyền ít gặp khác như: 

  • Lây truyền tại bệnh viện: virus Dengue có thể bị lây qua các chế phẩm máu, phơi nhiễm với tổn thương do kim tiêm, tổn thương niêm mạc…
  • Lây truyền dọc do người mẹ mang virus dengue trong máu (mắc bệnh trong vòng 10 ngày trước sinh) có thể truyền cho con khi sinh. Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có thể biểu hiện từ 4 – 11 ngày tuổi. 

3. Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết 

Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay, chẩn đoán sốt xuất huyết thường dựa vào yếu tố dịch tễ, các biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Một số xét nghiệm giúp phát hiện bệnh và mức độ bệnh như:

  • Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng nguyên NS1 
  • Xét nghiệm ELISA: Tìm kháng thể IgM, kháng thể IgG, được thực hiện từ ngày thứ 5 của bệnh. 
  • Xét nghiệm PCR: phân lập virus bằng cách lấy máu trong giai đoạn sốt. 
  • Các xét nghiệm máu: Công thức máu, Đông máu cơ bản 
  • Xét nghiệm men gan 
  • Điện giải đồ 
  • Xquang tim phổi

4. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết 

4.1. Vaccine 

Từ tháng 6 năm 2016, vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới đã được cấp phép lưu hành. Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện chưa được sử dụng do tính miễn dịch của vaccine chưa cao, còn nhiều lo ngại về tính hiệu quả và độ an toàn. 

4.2. Ngăn ngừa muỗi đốt 

Phòng ngừa sốt xuất huyết

Phòng và diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy như: 

  • Thay nước thường xuyên cho các lọ, chậu đựng nước… 
  • Thả cá vào bể, hồ… để tiêu diệt bọ gậy, loăng quăng. 
  • Che, đậy các vật dụng, vị trí chứa nước như lu, xô, bể nước… 
  • Thu gom phế liệu, rác thải, phát quang bụi rậm, cây cối quanh nhà. 
  • Phun thuốc diệt muỗi thường xuyên 

Thay đổi các thói quen sinh hoạt 

  • Ngủ màn kể cả ban ngày 
  • Mặc quần áo dài che kín tay, chân và nhạt màu khi đi ra ngoài. 
  • Thoa dầu, kem chống muỗi. 
  • Vào mùa mưa cần hạn chế ra ngoài vào buổi chiều tối, những nơi ẩm thấp, nhiều cây cối. 
  • Những người bị sốt xuất huyết cần ngủ màn để tránh muỗi đốt và lây truyền cho thành viên trong gia đình. 

Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra nhiều biến chứng bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng và chi phí điều trị. Mọi người cần chủ động trong việc phòng ngừa bệnh và loại bỏ muỗi vằn xung quanh môi trường sống.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon