Cholesterol là một chất béo không tan trong máu. Nó có ở màng tế bào và trong huyết tương của cơ thể. Chính vì tính chất không tan trong nước mà nó không thể di chuyển tự do trong hệ tuần hoàn được. Cholesterol và triglyceride cần được vận chuyển ở trong một cấu trúc ái nước là các lipoprotein.
Có năm loại lipoprotein chính trong máu: Chylomicrons, Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL), Lipoprotein tỷ trọng trung gian (IDL), Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL). Mỗi loại lipoprotein này mang cholesterol và triglyceride với số lượng khác nhau. Trong đó, LDL mang phần lớn cholesterol và VLDL mang phần lớn triglyceride.
Cholesterol trong cơ thể đến từ hai nguồn gốc chính là nội sinh và ngoại sinh:
– Nội sinh: Cholesterol được tổng hợp chủ yếu từ acetyl CoA. Khoảng một phần tư lượng cholesterol được tổng hợp từ gan. Ngoài ra, nó còn được tổng hợp từ một số cơ quan khác như ruột, tuyến thượng thận và cơ quan sinh sản.
– Ngoại sinh: Cholesterol ngoại sinh có nguồn gốc từ thức ăn. Trong thức ăn, chúng là cholesterol ester. Sau đó sẽ được khử thành cholesterol tự do khi chúng ta ăn vào, hòa tan bởi các acid mật và được hấp thu tại ruột non. Thông thường, lượng cholesterol ngoại sinh trong một ngày sẽ bằng khoảng ¼ lượng cholesterol nội sinh.
Định lượng cholesterol là một phần của xét nghiệm bilan lipid máu. Bilan lipid máu bao gồm Cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol và Triglyceride. Đây là bốn chỉ số giúp đánh giá tình trạng mỡ máu cho người bệnh. Xét nghiệm này được chỉ định phổ biến trên lâm sàng với những mục đích sau:
– Hỗ trợ xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở một người chưa có tiền sử mắc bệnh trước đó. Đây là chỉ định phổ biến nhất của xét nghiệm định lượng cholesterol.
– Tầm soát những bệnh nhân có nguy cơ cao bất thường mỡ máu do tiền sử gia định bị rối loạn di truyền. Ví dụ như tăng cholesterol máu gia đình.
– Để xác định nguyên nhân của một bệnh lý khác trên lâm sàng, ví dụ như viêm tụy.
– Quản lý người bệnh có nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch với xơ vữa động mạch đã được chẩn đoán trước đó.
– Đánh giá hiệu quả điều trị cũng như việc tuân thủ liệu pháp hạ lipid máu và điều chỉnh lối sống.
Xét nghiệm Cholesterol trong cơ thể
Như đã đề cập ở trên, ứng dụng phổ biến nhất của xét nghiệm định lượng cholesterol máu là để xác định nguy cơ tim mạch cho người bệnh. Cholesterol là một chất cần thiết trong cơ thể để có một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, khi nồng độ cholesterol trong máu tăng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác cũng cao hơn.
Tổng lượng cholesterol có thể đo được ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Không cần thiết phải nhịn ăn trước khi xét nghiệm. Khi đọc kết quả xét nghiệm định lượng cholesterol máu:
– Mức Cholesterol toàn phần < 200 mg/dL (5.17 mmol/L): Bình thường.
– Mức Cholesterol toàn phần từ 200 – 239 mg/dL (5.17 – 6.18 mmol/L): Bình thường cao.
– Mức Cholesterol toàn phần từ 240 mg/dL (6.21 mmol/L) trở lên: Cao.
Những người chưa mắc bệnh tim mạch thì nên hướng tới mức cholesterol dưới 200 mg/dL.
Phần lớn xét nghiệm định lượng cholesterol máu được làm để tầm soát nguy cơ tim mạch. Có nhiều tranh cãi đã xảy ra về việc nên thực hiện tầm soát đối với những đối tượng nào (lứa tuổi nào hoặc những yếu tố nguy cơ nào). Qua nhiều nghiên cứu thì được thống nhất như sau:
Đối với người trẻ tuổi, họ sẽ được làm xét nghiệm định lượng cholesterol trong lần khám đầu tiên. Sau khi đã tầm soát rối loạn lipid máu gia đình và đánh giá nguy cơ tim mạch thì tùy vào kết quả mà tần suất sàng lọc trong tương lai sẽ khác nhau.
Khi nào cần xét nghiệm cholesterol?
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch bị ảnh hưởng bởi các yếu tố:
– Tuổi tác (tăng khi bệnh nhân lớn tuổi).
– Giới tính (phổ biến ở nam giới hơn nữ giới).
– Tăng huyết áp.
– Đái tháo đường.
– Hút thuốc lá.
– Béo phì.
– Lối sống ít vận động.
– Tiền sử mắc bệnh mạch vành sớm (nam trước 55 tuổi và nữ trước 65 tuổi).
Những người có nguy cơ tim mạch cao là những người có các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành sớm. Họ nên thực hiện sàng lọc cholesterol theo dõi từ 25 đến 30 tuổi đối với nam và 30 đến 35 tuổi đối với nữ.
Đối với những người có nguy cơ tim mạch thấp hơn (không có yếu tố nào ở trên) thì nên sàng lọc ở nam giới vào tuổi 35 và 45 tuổi đối với nữ giới.
Tóm lại, xét nghiệm định lượng cholesterol là một xét nghiệm quan trọng trong việc tầm soát rối loạn lipid máu và đánh giá nguy cơ tim mạch. Bạn cần hiểu rõ về nó và biết khi nào mình cần làm xét nghiệm này. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, chỉ số cholesterol máu thấp không có nghĩa là bạn sẽ không mắc bệnh tim mạch. Nó chỉ là một phần để xác định phân tầng nguy cơ, còn cần kết hợp với nhiều yếu tố nguy cơ khác. Vì thế, bạn cần có tư vấn và thăm khám cụ thể của bác sĩ để có thể đánh giá chính xác nhất tình trạng sức khỏe của bản thân mình.