Nhiều bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm virus thường gặp ở trẻ em có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng. Một số bệnh truyền nhiễm trên thế giới đã được thanh toán thông qua tiêm chủng như bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt từ châu Mỹ, bệnh sởi địa phương ở Hoa Kỳ, Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh ở Mỹ,… Tiêm chủng vaccine đúng và đủ giúp loại bỏ và giảm nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm."/> Tin tức | doctor4u.vn

Tin tức

Vaccine là gì? Tại sao cần phải tiêm chủng vaccine?

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Nhiều bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm virus thường gặp ở trẻ em có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng. Một số bệnh truyền nhiễm trên thế giới đã được thanh toán thông qua tiêm chủng như bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt từ châu Mỹ, bệnh sởi địa phương ở Hoa Kỳ, Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh ở Mỹ,… Tiêm chủng vaccine đúng và đủ giúp loại bỏ và giảm nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Vaccine là gì?

Vaccine là những sinh phẩm có tính kháng nguyên để gây miễn dịch chủ động, thường là các vi khuẩn, virus sống đã giảm độc lực, không có khả năng gây bệnh hoặc là các vi khuẩn bất hoạt, các thành phần của vi khuẩn, virus, các độc tố đã giảm độc lực, các kháng nguyên protein đặc hiệu được tinh khiết. 

Miễn dịch chủ động là trạng thái miễn dịch của cơ thể, do chính cơ thể sản xuất ra sau khi tiếp xúc với vaccine hoặc các kháng nguyên kích thích từ môi trường. 

Thế nào là tiêm chủng?

Tiêm chủng vaccine là đưa vaccine vào cơ thể nhằm kích thích sự đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với từng loại vi sinh vật hay kháng nguyên, giúp cơ thể “nhớ” được loại kháng nguyên đó và sẵn sàng tiêu diệt tác nhân gây bệnh khi nó xâm nhập vào cơ thể. Hầu hết mọi loại vaccine được đưa vào cơ thể qua đường tiêm, duy chỉ có một số vaccine của tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa được dùng bằng đường uống như vaccine phòng bại liệt và rotavirus. Hiện nay còn có vaccine ngậm dưới lưỡi, vaccine nhỏ mũi, … 

Tại sao cần tiêm vaccine?

Vaccine được coi là một trong những phát minh vĩ đại của thế giới. Tiêm chủng vaccine giúp bảo vệ cơ thể khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Có một số người cho rằng cơ thể con người sinh ra đã đầy đủ kháng thể và không cần thiết phải tiêm vaccine, tuy nhiên điều này là không đúng. 

Tiêm chủng vaccine giúp tạo ra cơ chế miễn dịch chủ động cho cơ thể trước tác nhân gây bệnh. Từ khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng đến nay, với tỷ lệ uống vaccine bại liệt trên 95%, Việt Nam đã và đang tiếp tục bảo vệ thành công thành quả thanh toán bệnh bại liệt kể từ năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005, khống chế bệnh sởi và Rubella. Tiêm chủng cũng giúp tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người lớn như viêm gan B, HPV giảm rõ rệt. 

Phân loại vaccine phổ biến hiện nay

Hiện nay, vaccine được phân thành 2 nhóm lớn: nhóm vaccine sống giảm độc và nhóm vaccine bất hoạt/chết.

1. Nhóm vaccine sống giảm độc

Nhóm này được chia thành 2 dưới nhóm là: vaccine vi khuẩn sống giảm độc lực và vaccine virus sống giảm độc lực. 

  • Vaccine vi khuẩn sống giảm độc lực: vaccine lao BCG, vaccine thương hàn sống.
  • Vaccine virus sống giảm độc lực: sởi, quai bị, Rubella, đậu mùa, thủy đậu, rotavirus, vaccine cúm nhỏ mũi, vaccine bại liệt uống, vaccine sốt vàng. 

2. Nhóm vaccine bất hoạt/chết

Nhóm này được chia thành 2 dưới nhóm là: vaccine bất hoạt toàn tế bào và vaccine bất hoạt một phần tế bào. 

  • Vaccine bất hoạt toàn tế bào: vaccine bại liệt, viêm gan A, dại, cúm, ho gà, thương hàn dạng tiêm, vaccine phòng bệnh tả, dịch hạch.
  • Vaccine bất hoạt một phần tế bào: viêm gan B, cúm, HPV, …

 

Ngoài ra còn có một số loại vaccine mới và vaccine trong tương lai: Vaccine polypeptid tổng hợp, vaccine phối hợp, vaccine dạng DNA, RNA, …

 

Như vậy, có rất nhiều loại vaccine mà ngày nay chúng ta đang sử dụng và sẽ sử dụng. Vậy, những đối tượng nào cần được tiêm chủng vaccine?

Đối tượng tiêm chủng

  • Trẻ em từ 0-11 tháng tuổi là đối tượng chủ yếu chỉ định tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng. 
  • Trẻ em từ 12-23 tháng tuổi là đối tượng được chỉ định để tiêm nhắc lại nhằm củng cố miễn dịch cơ bản đã đạt được lúc 12 tháng.
  • Trẻ em từ 24-36 tháng tuổi cũng là đối tượng được tiêm nhắc lại.
  • Phụ nữ có thai và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ (16-35 tuổi) cũng cần được tiêm phòng đầy đủ. 
  • Người lớn cũng có chỉ định tiêm vaccine nhưng có chỉ định hẹp hơn, thường dành cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ: đi lại tới những nơi có vùng dịch, tiếp xúc với người bệnh, …

Những lưu ý khi tiêm chủng

  • Những người đang sốt cao hoặc trong tình trạng dị ứng thì không nên tiêm chủng, các bạn nên trao đổi lại với bác sĩ để được tư vấn hoãn lịch và hẹn lịch mới. 
  • Người hoặc trẻ đang mắc các bệnh lý nguy hiểm hoặc suy chức năng các cơ quan (suy gan, suy thận, suy tim, … ) cũng nên ngừng tiêm và theo dõi tình trang bệnh lý.
  • Sau khi tiêm có thể gặp một số phản ứng: dị ứng tại chỗ, dị ứng toàn thân, sốt nhẹ đến vừa. Các phản ứng này có thể biến mất sau một vài ngày. Co giật và sốc phản vệ có thể gặp tuy nhiên tỷ lệ rất thấp.
  • Tất cả trẻ em đều cần được tiêm chủng đúng và đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và còn đang diễn biến phức tạp. Tuy chưa phải cách hiệu quả nhất nhưng sự ra đời của một số loại vaccine Covid-19 đã phần nào mở ra con đường mới cho nhân loại trong công cuộc đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này. Có thể thấy, tiêm chủng vaccine là công cụ vô cùng cần thiết, mạnh mẽ và quan trọng trong dự phòng bệnh. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline 0936.561.212 hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon