Như các bạn đã biết, lipid không tan được trong máu. Vì thế, để có thể di chuyển trong tuần hoàn, Cholesterol và Triglyceride được vận chuyển dưới dạng các Lipoprotein. Mỗi loại lipoprotein này sẽ mang cholesterol và Triglyceride ở một mức độ khác nhau.
LDL-Cholesterol là viết tắt của từ Low density lipoprotein cholesterol, hay còn được gọi là Lipoprotein tỷ trọng thấp. LDL mang phần lớn cholesterol. Nó đôi khi được gọi là Cholesterol “xấu”, vì mức LDL càng cao thì càng tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
HDL-Cholesterol là viết tắt của từ High density lipoprotein cholesterol, hay còn được gọi là Lipoprotein tỷ trọng cao. Không phải tất cả Cholesterol đều xấu. HDL có mối liên quan tỷ lệ nghịch với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Mức HDL cao thực sự giảm nguy cơ mắc bệnh. Vì thế nên nó còn được coi là Cholesterol “tốt”.
Trong nhiều nghiên cứu đã phát hiện, tỷ lệ các biến cố tim mạch có liên quan nghịch với nồng độ cao HDL trong xét nghiệm máu. Ngược lại, với nồng độ thấp, nó có liên quan đến việc tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
Dựa trên dữ liệu từ Nghiên cứu Framingham, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng khoảng 25% cho mỗi lần giảm 5 mg/dL HDL-Cholesterol trong máu dưới ngưỡng trung bình. HDL-Cholesterol thấp cũng được coi là dấu hiệu báo trước của hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường type 2.
HDL-Cholesterol thấp trong huyết thanh có thể xảy ra như một bất thường mỡ máu độc lập. Hoặc, nó có liên quan đến tăng Triglyceride máu và tăng LDL-Cholesterol. HDL-Cholesterol thấp độc lập có nghĩa là chỉ số HDL < 50 mg/dL ở phụ nữ và < 40 mg/dL ở nam giới, đồng thời Triglyceride và chỉ số LDL đều <100 mg/dL. Nếu HDL thấp đi kèm với LDL ≥ 100 mg/dL hoặc Triglyceride ≥ 100 mg/dL hoặc cả hai đều ≥ 100 mg/dL thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng lên nhiều so với trường hợp HDL thấp độc lập.
Khi LDL-Cholesterol trong máu tăng cao, nó dễ dàng lắng đọng ở thành mạch tạo nên mảng xơ vữa. Dần dần, mảng xơ vữa dày lên, có thể gây hẹp lòng mạch, nặng hơn có thể nứt ra tạo thành cục máu đông. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những vị trí như tim và não vì có thể gây nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim.
Trong việc quản lý các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch do xơ vữa, chỉ số LDL trong xét nghiệm máu được xem là phòng ngừa chính. Qua nhiều nghiên cứu dịch tễ, bằng chứng cho thấy giảm LDL-Cholesterol trên phạm vi rộng làm giảm nguy cơ, ở cả người có và không có bệnh tim mạch.
Việc quản lý LDL tăng cao cũng được chứng minh là có lợi về mặt lâm sàng đối với những người có bệnh tim mạch nhưng không triệu chứng. Giảm mỗi 1 mmol/L (tương đương 40 mg/dL) LDL-Cholesterol có thể giúp giảm 22% tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch.
Cholesterol là một thành phần chính của HDL và lượng Cholesterol này có thể đo trực tiếp trong xét nghiệm máu được. Giữa trạng thái nhịn ăn và không nhịn ăn thì chỉ số HDL-Cholesterol chỉ có sự khác biệt nhỏ, không đáng kể về mặt lâm sàng. Vậy chỉ số HDL như thế nào là tốt? Qua nhiều nghiên cứu, kết luận rằng:
– Chỉ số HDL ở mức 60 mg/dL (1.55 mmol/L) hoặc cao hơn là tối ưu.
– Mức HDL dưới 40 mg/dL (1.03 mmol/L) được coi là thấp hơn mong muốn.
Mặc dù HDL-Cholesterol không được khuyến cáo là mục tiêu điều trị rối loạn lipid, tuy nhiên, nên duy trì chỉ số >40 mg/dL cho cả nam và nữ. Và bạn nên nâng chỉ số này lên cao nhất có thể, tốt nhất là > 60 mg/dL.
Còn về LDL, có nhiều cách để đánh giá nồng độ LDL-Cholesterol trong máu. Khác với HDL-Cholesterol có thể đo trực tiếp, trong thực hành lâm sàng, nó thường được ước tính bằng phương trình Friedewald. Công thức là: [LDL-Cholesterol] = [Cholesterol toàn phần] – [VLDL-Cholesterol] – [HDL-Cholesterol]. Trong đó, VLDL là Lipoprotein cholesterol tỷ trọng rất thấp (được tính một cách gần đúng bằng cách chia lượng Triglyceride cho 5).
Có thể nói, một cách gần đúng thì tổng lượng Cholesterol trong xét nghiệm máu là tổng số Cholesterol được tìm thấy trong mỗi loại hạt Lipoprotein VLDL, LDL và HDL. Công thức Friedewald được áp dụng cho các giá trị lipid đo được ở trạng thái nhịn ăn. Khi người bệnh không nhịn ăn, sự góp mặt của Chylomicrons sau ăn vào tổng lượng Lipoprotein làm cho công thức kém chính xác hơn nhiều.
Các giá trị chỉ số LDL được chia thành những mức sau:
– Bình thường: < 130 mg/dL.
– Cao vừa phải: 130 – 159 mg/dL.
– Cao: 160 – 189 mg/dL.
– Rất cao: > 190 mg/dL.
Trong hầu hết các nghiên cứu hạ lipid máu, nồng độ LDL-Cholesterol được sử dụng như một chỉ số đánh giá đáp ứng điều trị. Vì thế nên ta lấy chỉ số LDL để làm mục tiêu chính trong theo dõi điều trị rối loạn lipid máu. Theo AACE 2017 thì mục tiêu LDL sẽ được chia theo phân tầng nguy cơ tim mạch:
– Nhóm nguy cơ cực kỳ cao, mục tiêu LDL < 55 mg/dL.
– Nhóm nguy cơ rất cao, mục tiêu LDL < 70 mg/dL.
– Nhóm nguy cơ cao và nguy cơ trung bình, mục tiêu LDL < 100 mg/dL.
– Nhóm nguy cơ thấp, mục tiêu LDL < 130 mg/dL.
Tóm lại, xét nghiệm máu để định lượng chỉ số LDL và HDL định kỳ rất hữu ích trong việc tầm soát nguy cơ tim mạch. Hơn nữa, dựa vào hai chỉ số này, ta cũng có thể đánh giá xem liệu đã đạt được mục tiêu điều trị mỡ máu chưa và có tuân thủ điều trị tốt hay không.
Việc thăm khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện ra các chỉ số bất thường trong cơ thể. Tại Doctor4U, chúng tôi cung cấp các dịch vụ thăm khám tổng quát, xét nghiệm máu, nước tiểu… giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe. Liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn tốt nhất.