Tin tức

Tiêu chảy ở trẻ em và những điều bố mẹ cần phải biết

Ngày cập nhật: 27/04/2023

Tiêu chảy ở trẻ em là tình trạng thường gặp khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Tiêu chảy nếu không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và sự phát triển của trẻ. Hãy cùng DOCTOR4U tìm hiểu về bệnh lý tiêu chảy trẻ em qua bài viết dưới đây.

1. Tiêu chảy trẻ em là gì? 

Trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi thường đi tiêu ít nhất 2 lần/ngày, có một số trẻ chỉ đi tiêu 1 lần/tuần. Khi trẻ được 2 tuổi, trẻ đi tiêu ít nhất 1 lần/ngày, phân thường mềm, đóng khuôn. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ có số lần đi tiêu khác nhau, có trẻ đi tiêu 2 ngày 1 lần. 

Trẻ em được xem là bị tiêu chảy khi trong phân có nhiều nước hơn bình thường, hoặc đi tiêu trên 3 lần/ngày. Tiêu chảy là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, giúp loại bỏ vi trùng. Hầu hết các đợt tiêu chảy ở trẻ em sẽ kéo dài từ vài ngày cho đến một tuần. Tiêu chảy có thể xảy ra kèm theo các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn, chuột rút, phát ban,…

Tiêu chảy ở trẻ em là gì? 

2. Phân loại tiêu chảy

Tiêu chảy phân thành 2 loại: 

Tiêu chảy cấp: Trẻ đi ngoài phân lỏng, kéo dài dưới 14 ngày, nguyên nhân thường do thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn, hoặc do siêu vi. 

Tiêu chảy mãn tính: Tình trạng tiêu chảy kéo dài trong vài tuần, xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng, hội chứng ruột kích thích, không dung nạp thức ăn, dị ứng thức ăn,…

3. Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy

Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một số lý do phổ biến nhất như: 

Virus: Viêm dạ dày ruột do virus là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Nó gây ra tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày, trẻ dễ bị mất nước do không bổ sung đủ chất lỏng cho cơ thể. Các loại virus thường gặp ở trẻ như Rotavirus, Enterovirus,…

Vi khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây tình trạng tiêu chảy ở trẻ em như E Coli, Salmonella, Campylobacter, Shigella,… Vi khuẩn xâm nhập hệ tiêu hoá sau khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, khiến trẻ đi ngoài phân lỏng, nôn mửa trong vòng vài giờ sau khi nhiễm. 

Ký sinh trùng: Các loại ký sinh trùng được xem là tác nhân gây tiêu chảy ở trẻ như: Giardiasis, Cryptosporidiosis,…

Ngoài ra, trẻ còn bị tiêu chảy do các nguyên nhân khác như: dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose, fructose, sucrose, chế độ ăn nhiều đường, các vấn đề bệnh lý đường ruột (viêm ruột, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng…)

Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy 

4. Những dấu hiệu nhận biết trẻ tiêu chảy 

Trẻ tiêu chảy có thể gặp phải các triệu chứng như: 

Đi ngoài nhiều lần trong ngày: Đây là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận thấy nhất ở trẻ. Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày (ít nhất 3 lần trong ngày), phân lỏng, nhiều nước, có mùi tanh hoặc chua, phân có thể lẫn nhầy. Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu kéo dài trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài. 

Trẻ nôn trớ, ói: Khi tiêu chảy do virus Rota hoặc do tụ cầu, trẻ thường có hiện tượng nôn trớ. Nôn và đi ngoài liên tục khiến trẻ dễ bị mất nước và các chất điện giải. Lúc này, trẻ có cảm giác khát nước, niêm mạc mắt khô, da mất sự đàn hồi, tụt huyết áp, thậm chí có thể ngất xỉu, hôn mê. Cho nên, bố mẹ cần phải có hướng xử trí kịp thời, bù nước và điện giải cho trẻ để tránh nguy hiểm tính mạng. 

Trẻ biếng ăn: Biếng ăn có thể xuất hiện trước khi trẻ bị tiêu chảy cấp nhiều ngày. Biểu hiện biếng ăn ở trẻ nhỏ là chán ăn, bỏ bú, thích uống nước. 

Đau rát hậu môn: trẻ tiêu chảy do phải đi ngoài nhiều lần, đôi khi còn tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng đau rát hậu môn. 

Trẻ mệt mỏi, quấy khóc: Trẻ tiêu chảy thường hay mệt mỏi, quấy khóc, không muốn chơi, thậm chí có một số trường hợp trẻ hôn mê do mất nước nặng. 

5. Phòng tránh tiêu chảy ở trẻ nhỏ 

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của con. Do đó, bố mẹ cần chủ động phòng tránh tiêu chảy cho con bằng cách: 

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước ấm cho con trẻ. Đặc biệt là sau khi chơi đùa, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
  • Bố mẹ cũng cần rửa kỹ tay trước khi chăm sóc cho trẻ, sau khi cho trẻ đi vệ sinh. 
  • Vệ sinh bình bú, dụng cụ đựng thức ăn của trẻ bằng nước sôi, để khô ráo. 
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, bởi sữa mẹ chứa nhiều miễn dịch tốt cho hệ miễn dịch của trẻ. 
  • Tránh để trẻ dùng chung đồ chơi, đồ dùng cá nhân hay ngậm đồ chơi vào miệng… Tránh tiếp xúc với trẻ đang mắc tiêu chảy. 
  • Không nên cho trẻ uống quá nhiều nước trái cây, tốt nhất dưới 120ml mỗi ngày. 

Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Trên đây là một số thông tin cần biết về bệnh lý tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Để được tư vấn trực tiếp về khám sức khỏe nhi khoa, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 024.32.212.212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon