Ngộ độc thực phẩm là một tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nếu diễn tiến nặng. Vì vậy nhận biết sớm các triệu chứng ngộ độc thực phẩm giúp bạn xử trí kịp thời và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn cũng đang quan tâm vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Ngộ độc thực phẩm là một tình trạng khá phổ biến ở nước ta. Nguyên nhân do thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc chứa các độc tố có hại cho sức khỏe sau khi ôi thiu, nấm mốc,…Và ở nước ta các trường hợp ngộ độc thực phẩm chủ yếu diễn ra ở các bếp ăn tập thể. Đây là khu vực khó kiểm soát được mức độ an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến.
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng khá phổ biến ở nước ta
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra cấp tính và ở nhiều mức độ khác nhau. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, lượng thức ăn tiêu thụ, thể trạng người bệnh,… mà triệu chứng ngộ độc thực phẩm xuất hiện sớm hoặc muộn sau vài giờ, vài ngày.
Song các trường hợp ngộ độc thực phẩm nếu không phát hiện và xử trí sớm đều có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện giải, tử vong,…
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện cấp tính sau vài phút, vài giờ cũng có thể sau 01 đến 02 ngày tiêu thụ thức ăn. Vì vậy nhận biết sớm ngộ độc thực phẩm giúp bạn hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết sớm mà bạn không nên bỏ qua:
Đau bụng là triệu chứng lâm sàng xuất hiện sớm và thường gặp ở mọi đối tượng. Tùy thuộc vào mức độ nặng của tình trạng ngộ độc thực phẩm mà người bệnh có thể đau âm ỉ vùng quanh rốn, đau bụng quặn từng cơn.
Đau bụng là biểu hiện lâm sàng sớm nhất, gặp ở mọi đối tượng
Cơ chế gây đau trong ngộ độc thực phẩm là do các độc tố gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột. Điều này làm các cơ vùng dạ dày, ruột non tăng co thắt để đẩy nhanh quá trình đào thải thức ăn. Đây là một cơ chế bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, đau bụng không phải là triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm. Vì vậy cần phải chẩn đoán phân biệt đau bụng do ngộ độc và đau bụng do các bệnh lý như viêm ruột thừa, sỏi thận, loét dạ dày tá tràng,…
Tiêu chảy cũng là một dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Người bệnh đi ngoài phân lỏng lớn hơn 03 lần/ngày và liên tục trong 03 ngày. Tần suất đi ngoài phụ thuộc vào tình trạng bệnh và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí sớm.
Tiêu chảy liên tục khiến cơ thể mất nước, giảm hấp thụ từ đó dẫn tới các biến chứng như rối loạn điện giải, hạ kali, nặng có thể dẫn tới tử vong.
Buồn nôn, nôn là triệu chứng đi kèm thường xuất hiện khi người bệnh bị đau bụng quặn. Đây là phản ứng bảo vệ của cơ thể nhằm loại bỏ các độc tố gây hại ra ngoài. Thông thường, sau khi nôn được thức ăn ra ngoài, cơ thể sẽ cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên nếu tình trạng ngộ độc nặng có thể dẫn tới nôn mửa liên tục và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ngộ độc thực phẩm biểu hiện bằng một số triệu chứng đặc trưng
Khi các vi khuẩn, nội độc tố vi khuẩn, nấm xâm nhập, cơ thể sẽ hình thành các phản ứng miễn dịch và giải phóng các chất hóa học làm gia tăng nhiệt độ cơ thể. Đây là một phản ứng có lợi và chỉ có hại khi nhiệt độ tăng quá cao. Ở bệnh nhân ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện tình trạng sốt (nhiệt độ >37,5 độ C). Tuy nhiên, bạn chỉ cần hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C.
Mệt mỏi, chán ăn là biểu hiện thường thấy ở người bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là cơ thể bị mất nước, điện giải,… do đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện tình trạng đau đầu, đau cơ hoặc các dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm. Vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm trên thì bạn cần phải sơ cứu ngay và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Trên đây là những thông tin hữu ích mà Doctor4U chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Bệnh lý ngộ độc thực phẩm có thể xảy đến với bất kỳ ai, do đó nhận biết sớm sẽ giúp bạn điều trị, tránh các nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng.