Nhanh chóng và dễ thực hiện nên xét nghiệm máu hầu như là một trong những xét nghiệm được làm đầu tiên khi người bệnh vào viện. Xét nghiệm máu không chỉ kiểm tra các tế bào máu có trong mẫu xét nghiệm, mà nó còn có thể phân tích và định lượng được các chất sinh hóa có trong máu. Hơn thế nữa, xét nghiệm máu còn có thể phân tích các thông số miễn dịch, kiểm tra kháng thể,…
Mặc dù có thể phân tích được rất nhiều chỉ số trong xét nghiệm máu, nhưng tùy vào bệnh lý của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm riêng. Một số xét nghiệm thường dùng là:
– Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Gồm các thông số cơ bản về các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu,…
– Sinh hóa máu: Gồm các xét nghiệm định lượng glucose, protein, ure, creatinin, men gan (SGOT, SGPT), chất chỉ điểm viêm CRP, bilan lipid (cholesterol, triglyceride),… Thông thường, tùy theo bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể về chất sinh hóa cần xét nghiệm chứ không phải xét nghiệm hết toàn bộ.
– Chỉ số miễn dịch: Có rất nhiều thông số nhưng thông thường, ta gặp nhiều nhất là HbsAg, HCV Ab, để kiểm tra tình trạng nhiễm viêm gan B, viêm gan C. Ngoài ra còn có các chỉ số men tim như Pro-BNP, CKMB, hs Troponin T để đánh giá tổn thương cơ tim.
– Điện giải đồ: Gồm Na+, K+, Cl-, Mg2+, HCO3-,… Xét nghiệm này dùng để kiểm tra khi bệnh nhân có nguy cơ rối loạn điện giải, từ đó có hướng xử trí phù hợp.
Tùy thuộc vào chẩn đoán và loại xét nghiệm máu được chỉ định cụ thể mà bạn sẽ cần lưu ý những điều khác nhau. Thông thường, những việc cần chuẩn bị là:
Lưu ý trước khi lấy mẫu xét nghiệm
Một số loại xét nghiệm máu yêu cầu người bệnh cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm sinh hóa máu và điện giải đồ. Bởi vì trong quá trình tiêu hóa, các chất dinh dưỡng và chuyển hóa sẽ được hấp thu vào máu. Từ đó làm thay đổi thành phần các chất có trong máy ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Thông thường, người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn trước khi lấy máu 12 giờ. Vì vậy thời điểm lấy máu thích hợp là vào buổi sáng, sau khi họ đã nhịn qua đêm. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần lưu ý không nhịn ăn thời gian quá dài. Nếu nhịn đói trên 48 giờ cũng làm thay đổi nồng độ các chất trong huyết thanh.
Cùng với nhịn ăn, nên tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,… Vì trong cà phê có chứa cafein, rượu bia làm tăng triglyceride máu. Chỉ nên uống nước lọc, ngay cả sữa và các đồ uống ngọt cũng không nên sử dụng. Những chất này có thể làm cho kết quả máu của bạn bị sai lệch.
Một số người bệnh có bệnh nền sẵn có đang sử dụng thuốc hàng ngày phải lưu ý điều này. Một số loại thuốc điều trị có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường sẽ dặn dò trước với bạn. Mặt khác, với một số xét nghiệm xác định hàm lượng thuốc trong máu thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt thời điểm dùng thuốc và lấy máu.
Không nên tập luyện thể dục thể thao ngay trước khi lấy máu. Khi cơ thể vận động, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn nên sẽ tăng lượng đường trong máu. Nếu vận động quá sức cũng có nguy cơ hạ đường huyết. Vì thế, nếu bạn đang tập luyện hàng ngày như một thói quen thì nên ngừng hoạt động này lại trước khi lấy máu khoảng từ 24-48 giờ.
Hơn cả người bệnh, nhân viên y tế càng phải chú ý nhiều hơn trong quy trình lấy máu xét nghiệm. Bởi vì phần lớn những sai lệch trong kết quả đều đến từ sai sót trong kỹ thuật lấy máu. Khi lấy máu, cần lưu ý những điều sau:
Cần thực hiện đúng các bước lấy máu như chuẩn bị tư thế bệnh nhân, vị trí lấy máu, thời gian buộc garo. Nên để bệnh nhân nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi lấy máu khoảng 10 đến 15 phút. Khi lấy máu xét nghiệm cần chú ý không nên buộc garo quá lâu, thiếu oxy có thể gây chuyển hóa yếm khí. Đặc biệt là xét nghiệm khí máu động mạch. Và điều quan trọng nữa là không được nhầm lẫn giữa máu động mạch và máu tĩnh mạch.
Nhân viên y tế cần lưu ý gì khi lấy máu xét nghiệm
Đây là một sai lầm thường mắc phải của người lấy máu. Rất nhiều trường hợp lỡ lấy nhiều máu hơn so với lượng máu cần để xét nghiệm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu mà còn có thể làm hỏng luôn mẫu máu đó. Nếu lượng máu quá nhiều thì lượng chất chống đông trong ống xét nghiệm sẽ không đủ để bảo quản mẫu đó được. Kết quả là phải yêu cầu người bệnh lấy máu lại. Điều này gây ra những phiền phức không hề nhỏ.
Nồng độ các chất tan có trong dung môi thay đổi tùy theo những nhiệt độ khác nhau. Máu cũng tương tự như vậy. Nếu bệnh nhân sốt thì nồng độ các chất sinh hóa, miễn dịch trong máu cũng thay đổi. Thông thường, máy xét nghiệm sẽ có một bảng để quy đổi các thông số tùy theo nhiệt độ. Nhưng nếu người lấy máu không ghi chú thì sẽ làm kết quả sai lệch mà không biết được. Từ đó dẫn đến việc đánh giá sai tình trạng bệnh cho bệnh nhân.
Trên đây là một số lưu ý bạn cần biết trước khi làm xét nghiệm máu cũng như một số thông tin về vai trò của xét nghiệm này. Mong rằng qua bài viết của Doctor4U, bạn sẽ hiểu thêm và có thể chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho bản thân khi khám chữa bệnh.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0936561212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn.