Ngày cập nhật: 07/12/2021
Bệnh tăng huyết áp là bệnh gì?
Huyết áp bình thường của một người vào khoảng 120/80 mmHg. Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, hoặc khi người bệnh đang được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp.
Triệu chứng của bệnh
Có đến 35% người mắc tăng huyết áp không có biểu hiện của bệnh mà được phát hiện tình cờ qua các lần khám sức khỏe định kỳ. Một số triệu chứng nghi ngờ tăng huyết áp: Hoa mắt chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, đau ngực, nôn ói, nhìn mờ,… Người bệnh không nên chủ quan khi nghi ngờ mình mắc bệnh, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi huyết áp thường xuyên, tránh biến chứng khó lường.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng huyết áp
Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành không rõ nguyên nhân (hay còn gọi là tăng huyết áp tiên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát). Các nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp:
Các bệnh nội tiết
- U tủy thượng thận
- Cushing
- Cường aldosteron
- Cường giáp
- Cường tuyến yên
Các bệnh về thận
- Viêm cầu thận cấp
- Viêm cầu thận mạn
- Sỏi thận
- Viêm thận kẽ
- Hẹp động mạch thận
Các bệnh hệ tim mạch
- Hở van động mạch chủ
- Hẹp eo động mạch chủ
- Hẹp, xơ vữa động mạch chủ bụng
Do sử dụng một số loại thuốc
- Cam thảo
- Thuốc tránh thai
- Thuốc cường á giao cảm
Nguyên nhân khác
- Ngộ độc thai nghén
- Rối loạn thần kinh
Các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tăng huyết áp
Có rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến huyết áp và gây tăng huyết áp, tiêu biểu và nổi bật nhất là:
- Rối loạn lipid máu.
- Đái tháo đường.
- Tuổi cao (thường ≥ 55 tuổi).
- Giới tính nam, hoặc nữ đã mãn kinh.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch sớm.
- Người ít hoạt động thể lực.
- Chế độ ăn không phù hợp: ăn mặn, ít hoa quả, nhiều chất béo.
- Thừa cân béo phì.
- Hút thuốc lá, thuốc lào.
- Stress và căng thẳng tâm lý.
- Uống nhiều rượu, bia.
- Không dung nạp thuốc hạ huyết áp.
Biến chứng và tổn thương các cơ quan đích do tăng huyết áp
- Đột quỵ não (có thể chảy máu não, thiếu máu não, chảy máu khoang dưới nhện), thiếu máu não thoáng qua.
- Sa sút trí tuệ.
- Phì đại thất trái (trên điện tâm đồ hay siêu âm tim), phù phổi cấp.
- Suy tim.
- Nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.
- Bệnh mạch máu ngoại vi.
- Phình lóc tách thành động mạch chủ.
- Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị.
- Protein niệu, tăng creatinin huyết thanh.
- Tăng đường huyết.
- Suy thận mạn.
Chẩn đoán tăng huyết áp
Chẩn đoán bệnh lý tăng huyết áp không khó, chỉ cần đo huyết áp đúng quy trình, khi huyết áp tâm thu của người bệnh tăng trên 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Người đang sử dụng thuốc hạ huyết áp cũng sẽ được chẩn đoán xác định là tăng huyết áp.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp
Ngày nay, khoa học và y học phát triển đã cho ra đời nhiều thuốc hạ huyết áp mới có tác dụng mạnh hơn, tác dụng phụ ít hơn và khả năng dung nạp dễ hơn. Hiện tại có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp khác nhau với cơ chế phong phú như sau:
- Nhóm thuốc tác động lên hệ renin-angiotensin: Valsartan, Captopril,…
- Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm: Timolol, Propanolol,…
- Nhóm thuốc chẹn kênh calci: Amlodipin, Verapamil,…
- Nhóm thuốc lợi tiểu: Metolazon, Indapamid, Furosemid, Amilorid,…
- Một số nhóm thuốc khác: Methyldopa, Minoxidil,…
Phân loại tăng huyết áp theo độ tuổi và bệnh lý kèm theo
Bệnh lý tăng huyết áp có thể gặp ở rất nhiều đối tượng, thuốc điều trị tăng huyết áp tuy có rất nhiều nhưng không phải loại nào cũng có thể sử dụng cho tất cả mọi người. Chính vì vậy, cần phân loại bệnh tăng huyết áp theo độ tuổi, thể trạng, bệnh lý đi kèm để có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả.
- Tăng huyết áp ở người trẻ
- Tăng huyết áp ở người cao tuổi
- Tăng huyết áp ở người béo phì
- Tăng huyết áp ở người mắc bệnh đái tháo đường
- Tăng huyết áp có suy thận mạn tính
- Tăng huyết áp có phì đại thất trái
- Tăng huyết áp có kèm theo bệnh mạch vành
- Tăng huyết áp có suy tim
- Tăng huyết áp và thai nghén
- Tăng huyết áp kháng trị
Tùy theo phân loại tăng huyết áp của mỗi người mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định cho người bệnh dùng loại thuốc nào. Người mắc bệnh tăng huyết áp không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ, tránh “tiền mất tật mang”. Khi đã được bác sĩ kê đơn thì người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ lời dặn, uống thuốc đúng loại, đúng liều, đúng giờ, đúng hướng dẫn.
Một số biện pháp tích cực ngăn ngừa tiến triển bệnh tăng huyết áp
- Giảm ăn mặn (< 6g muối hoặc 2,3g natri mỗi ngày). Duy trì đủ lượng kali (90 mmol/ngày). Đảm bảo đầy đủ calci và magie.
- Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.
- Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi giàu chất xơ và protein thực vật.
- Tích cực giảm cân (nếu thừa cân), duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9. Chế độ giảm cân được đặc biệt nhấn mạnh ở những bệnh nhân nam giới béo phì, tuy nhiên không áp dụng chế độ này cho phụ nữ có thai bị tăng huyết áp.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Ngừng hút thuốc lá, thuốc lào. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ mạnh nhất đối với các biến cố tim mạch.
- Duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Vận động ở mức vừa, tập thể dục, đi bộ đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày, 5-7 ngày/tuần. Với những người có nguy cơ bệnh mạch vành cần có chế độ tập luyện nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
- Tránh để bị lạnh đột ngột.
- Theo dõi huyết áp định kỳ tại y tế cơ sở hoặc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà.
Các biện pháp nêu trên cũng chính là những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành. Mỗi người cần tự có ý thức trong dự phòng và điều trị bệnh để có một sức khoẻ tốt, tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0936.561.212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn.