Tin tức

Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm máu cho biết gì về tình trạng sức khỏe của bạn?

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Xét nghiệm máu là một trong những cận lâm sàng thường quy  được chỉ định mỗi khi bạn vào viện khám, chữa bệnh. Phổ biến như thế nhưng chưa nhiều người biết đến ý nghĩa của các chỉ số trong phiếu trả kết quả xét nghiệm.  Doctor4U sẽ đồng hành cùng bạn để giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân thông qua các con số biết nói này.

Xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm máu là một quy trình tương đối đơn giản, dễ dàng thực hiện và có độ tin cậy cao. Các chuyên viên y tế như kỹ thuật viên xét nghiệm hay điều dưỡng sẽ lấy 2ml  máu qua đường tĩnh mạch của người bệnh và cho vào máy đếm tự động laser.  Tùy theo từng thông số cụ thể mà kết quả có thể có sau 2h đến 1 tuần.

Có hai loại xét nghiệm máu:

1. Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC)

Đây là  kiểu xét nghiệm máu phổ biến nhất, thường xuyên được chỉ định trong các buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm máu tổng quát có thể giúp phát hiện các bệnh về máu và các bất thường như thiếu máu, nhiễm trùng, vấn đề đông – cầm máu… thông qua số lượng và tỷ lệ các tế bào máu.

2. Xét nghiệm sinh hóa máu

Thường được chỉ định để đánh giá chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể. Dưới đây là các xét nghiệm sinh hóa máu phổ biến:

– Định lượng Glucose: Kiểm tra lượng đường trong máu, để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường.

-Định lượng Ure, Creatinin nhằm đánh giá chức năng thận cũng như các bệnh lý về thận .

– AST, ALT: Kiểm tra men gan nhằm đánh giá viêm gan và các bệnh lý về gan.

– Cholesterol, Triglyceride, HDL-cholesterol: Kiểm tra lượng mỡ trong máu nhằm ngăn chặn những tai biến do rối loạn mỡ máu gây ra như: Tăng huyết áp, đột quỵ…

Chỉ số xét nghiệm máu nói gì về sức khỏe của bạn?

Các chỉ số xét nghiệm máu chứa đựng bên trong nhiều ý nghĩa to lớn mà những ai thực sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình không nên bỏ lỡ. Dưới đây là 9 chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn cần biết khi đọc kết quả.  

1. WBC

(White Blood Cell) – Số lượng bạch cầu trong một đơn vị máu. 

Bạch cầu tham gia vào hệ thống miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Nó tăng cường truy bắt và tiêu diệt một số tác nhân gây bệnh xâm nhập như : Vi khuẩn, bụi, nấm… Bạch cầu trong máu tăng cao gợi ý bệnh nhiễm trùng ở người bệnh.

  •  Trị số bình thường dao động trong khoảng  4 – 10 K/ μL.
  •  Bạch cầu giảm do bị tiêu diệt bởi virus có độc tính cao như: Virus viêm gan , HIV…

2. RBC

RBC (Red Blood Cell) – Số lượng hồng cầu trong một đơn vị máu.

Hồng cầu đảm nhiệm chức năng vận chuyển O2 từ phổi đến các mô để thực hiện các chức năng sinh lí và vận chuyển CO2 từ mô về phổi để đào thải ra ngoài.  

  • Giá trị bình thường nằm trong khoảng từ 4 – 5.8 M/ μL
  •  Số lượng hồng cầu tăng trong bệnh cảnh mất nước, nôn nhiều, tình trạng  thiếu oxy kéo dài ( bệnh tim, bệnh phổi) hoặc bệnh lý đa hồng cầu…
  • Hồng cầu giảm gợi ý  thiếu máu, mất máu nội, sốt rét…

3. HCT

HCT là viết tắt của Hematocrit  có nghĩa là tỷ lệ thể tích hồng cầu có trong thể tích máu toàn phần. HCT cùng với HBG cùng giảm gợi ý chẩn đoán thiếu máu trên bệnh nhân.

  • Giá trị thông thường từ 45 đến 52% đối với nam và 37 đến 48% đối với nữ.
  • Hematocrit tăng trong bệnh cảnh dị ứng, chứng tăng hồng cầu,  người hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh mạch vành, người sống ở vùng núi cao. Mất nước cũng làm tăng HCT do máu bị đông đặc.
  • Giảm trong trường hợp mất máu, thiếu máu. HCT giảm sinh lý ở  phụ nữ trong giai đoạn thai nghén…

4. MCV

MCV là chữ viết tắt tiếng anh của Mean corpuscular volume- thể tích trung bình của một hồng cầu. MCV giúp đánh giá kích thước to – nhỏ của hồng cầu, kích thước này đặc trưng cho một số bệnh cụ thể.

  • MCV có giá trị bình thường trong khoảng 85 – 95 f/L
  • MCV tăng trong thiếu máu hồng cầu to (do thiếu hụt vitamin B12, thiếu acid folic), bệnh gan, chứng tăng hồng cầu, người nghiện rượu…
  • Giảm ở người thiếu máu do thiếu sắt, bệnh Thalassemia, thiếu máu do các bệnh mạn tính như suy thận…

5. HBG

Hemoglobin – lượng huyết sắc tố trong một đơn vị máu. Chỉ số hemoglobin trên phiếu kết quả xét nghiệm máu thường dùng để đánh giá tình trạng thiếu máu ở người bệnh.

  • Giá trị thông thường ở nam là 13 đến 17 g/dl, ở nữ là 12 đến 16.5 g/dl. Ở phụ nữ mang thai và người lớn tuổi, giá trị bình thường thấp hơn các chỉ số trên. 
  •  HBG tăng khi cơ thể mất nước như nôn, ỉa chảy, bỏng nặng,…  hay trong các bệnh lý tim mạch, bệnh phổi.. 
  • Giảm khi bị thiếu máu, mất máu , khi xảy ra các phản ứng gây tan máu trong cơ thể người bệnh..

6. PLT

PLT (Platelet Count) – Số lượng tiểu cầu trong một đơn vị máu

Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Khi mạch máu bị thương tổn, tiểu cầu là một trong những đội ngũ tiên phong kéo đến để hình thành các nút tiểu cầu, giúp nhanh chóng cầm máu. Nếu số lượng tiểu cầu quá thấp người bệnh sẽ bị chảy máu kéo dài, thậm chí là shock do mất máu. Số lượng tiểu cầu quá cao sẽ dễ hình thành huyết khối, gây tắc mạch làm tăng nguy cơ  nhồi máu não, nhồi máu cơ tim..

  • Giá trị thường trong khoảng từ 150- 450 K/ μL
  • Số lượng tiểu cầu tăng khi cơ thể bị chấn thương hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ lách, đây được xem như là phản ứng bảo vệ của cơ thể. Khi bị viêm nhiễm, rối loạn tăng sinh tuỷ xương,… lượng tiểu máu trong máu tăng cao.
  • Giảm ở bệnh nhân bị suy tủy xương, điều trị hóa trị liệu, đông máu trong  rải rác lòng mạch, bệnh lý tan máu ở trẻ sơ sinh,…

7. Định lượng glucose

Định lượng glucose máu đói vào buổi sáng, sau khi ăn 8h giúp chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh lý đái tháo đường.

Giá trị bình thường ở người lớn: 4.1-5.9 mmol/L. Nếu kết quả sau 2 lần thử đều >=7 thì có nguy cơ cao là bạn đang mắc bệnh tiểu đường.

8. Định lượng Ure, Creatinin

Đây là hai xét nghiệm sinh hóa máu quan trọng nhằm đánh giá chức năng  thận. Các chỉ số tăng vượt ngưỡng bình thường, gợi ý chức năng thận đang suy giảm. Chỉ số càng cao, bệnh về thận ngày càng trầm trọng .

Giá trị bình thường của nồng độ Ure trong máu ở người lớn 2.8-8 mmol/L. Nồng độ Creatinin có sự khác nhau ở hai giới. Ở nữ là 45-95 μmol/L, còn ở nam 60-110 μmol/L.

9. Định lượng AST, ALT

Xét nghiệm này nhằm đánh giá chức năng gan và theo dõi tiến triển của viêm gan. Nó có giá trị bình thường <40U/L đối với nam và < 33 U/L đối với nữ.

AST, ALT tăng chứng tỏ có một số lượng nhất định tế bào gan bị phá vỡ.

Xét nghiệm máu không phải là một bảo bối thần kỳ giúp phát hiện hết thảy các bệnh lý nhưng nó là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp định hướng chẩn đoán cho các y bác sĩ. Bạn cần nắm ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm này để hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên vẫn có trường hợp các chỉ số bị rối loạn nhất thời và  không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào xin hãy liên lạc với chúng tôi, đội ngũ y bác sĩ tại lành nghề tại  Doctor4U sẽ hỗ trợ và tư vấn nhiệt thành.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0936561212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon