Tin tức

Tổng hợp 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp ở trẻ em

Ngày cập nhật: 27/04/2023

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh lý do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, đặc biệt bệnh truyền nhiễm. Một số bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, cúm, sởi, sốt xuất huyết,… ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ. Ngoài việc quan tâm tới triệu chứng bệnh, bố mẹ cần phải chủ động phòng ngừa và nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Dưới đây là 5 bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý: 

1. Bệnh cúm 

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (mũi, họng, phổi), gây ra bởi virus cúm. Bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác. Các triệu chứng của cúm ở trẻ như: sốt cao trên 37.5 độ C, ho, đau cổ họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau nhức người, đau nhức đầu, trẻ mệt mỏi, nôn hoặc tiêu chảy. 

Khi nhận thấy các biểu hiện bệnh ở trẻ, bố mẹ cần: 

  • Để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, không cho trẻ đi học hay ra ngoài trời. 
  • Che miệng khi ho, hắt hơi. 
  • Rửa tay cho trẻ với xà bông, nước hoặc các loại nước rửa tay sát khuẩn nhanh. 
  • Không để trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với người khác. 
  • Tiêm phòng vaccine cúm. 

Cúm khiến trẻ mệt mỏi và ảnh hưởng ăn uống, vui chơi

Vaccine được chứng minh an toàn, hiệu quả, có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 9 tuổi chưa từng tiêm vaccine. Vaccine cúm cần tiêm 2 mũi, cách nhau tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm. Với trẻ trên 9 tuổi và người lớn tiêm 1 mũi và cần tiêm nhắc lại vaccine cúm hàng năm. 

2. Bệnh tay chân miệng 

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm gây ra do siêu vi trùng đường ruột. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Một số biểu hiện của bệnh như: Sốt, đau họng, tổn thương loét đỏ và đau ở miệng, sẩn hồng ban không ngứa ở một số nơi như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông,… Đôi khi có bóng nước, trẻ quấy khóc, bỏ bú, biếng ăn, mệt mỏi…

Nếu nhận thấy dấu hiệu bệnh lý ở trẻ, bố mẹ cần: 

  • Thông báo cho trường học của trẻ nếu trẻ mắc bệnh. Cho trẻ nghỉ tại nhà để tránh lây nhiễm sang những trẻ khác từ 7 – 10 ngày. 
  • Hạn chế tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh khi ở chung nhà hoặc ngoài cộng đồng. 
  • Bố mẹ cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị, theo dõi. 
  • Thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh như: khử trùng các vật dụng của trẻ, không dùng chung đồ của trẻ với người khác,…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ: ăn uống đồ mát, tránh những thức ăn đồ uống có tính acid (trái cây, nước trái cây chua), thức uống có gas, thức ăn mặn hoặc cay. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá. 

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

3. Bệnh sốt xuất huyết 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do siêu vi Dengue gây ra. Virus Dengue xâm nhập vào cơ thể thông qua vết muỗi vằn đốt từ những con muỗi cái mang mầm bệnh. Đây là bệnh lý nguy hiểm cho cả trẻ em lẫn người lớn. Hiện bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể mắc lại, lần mắc sau có nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn lần trước, có thể gây xuất huyết, sốc tụt huyết áp, thậm chí tử vong.

Trẻ sốt xuất huyết bố mẹ cần: 

  • Nếu trẻ sốt trên 2 ngày cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. 
  • Nếu trẻ điều trị ngoại trú, phải tái khám theo lịch hẹn hoặc ngay sau khi bố mẹ phát hiện trẻ có các dấu hiệu nặng lên. 
  • Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ để nắm được diễn tiến ngày bệnh, kịp thời sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ. 
  • Không tự ý dùng các thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprofen hay các thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 
  • Theo dõi kỹ tình trạng của trẻ, nếu có dấu hiệu của tình trạng nặng: sốt cao không giảm, co giật, xuất huyết,… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. 
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá như cháo, bột, sữa…
  • Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chứa màu sẫm tối vì khó phân biệt trong trường hợp xuất huyết tiêu hoá. 
  • Cho trẻ uống nhiều nước: nước cam, nước chanh, oresol…

Bệnh sốt xuất huyết

4. Bệnh tiêu chảy

Theo thống kê năm 2017, toàn cầu có hơn 480.000 trẻ tử vong do tiêu chảy, chiếm khoảng 8% tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Tiêu chảy thưởng hết trong vòng 3 – 4 ngày, nhưng do quá nhiều chất lỏng và chất dinh dưỡng của cơ thể mất qua đường phân, nôn mửa mà cơ thể trẻ mất nước, suy dinh dưỡng nếu không điều trị kịp thời. Nguyên nhân tử vong nhiều nhất ở trẻ tiêu chảy là do mất nước. 

Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em, chủ yếu do nhiễm trùng đường ruột do siêu vi (rotavirus), vi khuẩn (E Coli, Campylobacter), Ký sinh trùng (Giardia),…

Để phòng ngừa nguy cơ tiêu chảy trẻ em, bố mẹ cần: 

  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ
  • Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước cho trẻ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Vệ sinh sạch sẽ tay người chăm sóc trẻ. 
  • Làm sạch nhà vệ sinh, bao gồm tay cầm và chỗ ngồi, chỗ nằm của trẻ. 
  • Tránh dùng chung khăn, vật dụng của trẻ với các thành viên trong gia đình hoặc trẻ khác. 
  • Nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 48 giờ sau đợt tiêu chảy cuối. 
  • Tránh để trẻ uống nước và ăn thức ăn không an toàn, không đảm bảo vệ sinh. 
  • Nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú mẹ trong 24 tháng đầu đời. Trẻ bú mẹ ít bị tiêu chảy nhiễm trùng hơn so với trẻ bú bình. 

Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ

5. Bệnh thuỷ đậu 

Một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi là bệnh thuỷ đậu. Bệnh lý do virus Varicella Zoster gây ra, có khả năng lây truyền qua đường không khí. Do đó, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải giọt bắn từ hoạt động ho, hắt hơi, chảy mũi của người bệnh. 

Bệnh diễn tiến qua các thời kỳ: 

Ủ bệnh: từ 14 đến 17 ngày, không có triệu chứng lâm sàng. 

Khởi phát: bệnh xảy ra trong 1 ngày với các triệu chứng ở trẻ như sốt nhẹ hoặc sốt cao 39 – 40 độ. Trẻ mệt mỏi, không chịu chơi, quấy khóc, co giật kèm viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp. 

Toàn phát: xuất hiện các nốt rạ trên cơ thể. Ban đầu là những nốt ban đỏ, sau đó chuyển thành nốt phỏng nước trong. Sau 24 – 48 giờ, nốt ban ngả màu vàng, hình cầu nổi trên bề mặt da. 

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng xương khớp, viêm phổi hoặc viêm não.

Do đó, khi trẻ mắc bệnh thuỷ đậu cần: 

  • Đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. 
  • Bác sĩ thường sẽ chỉ định dùng kháng sinh hoặc Paracetamol để giảm đau và hạ sốt. Ngoài ra, có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn như Methyl, Castellani để chấm lên các nốt ban đã vỡ, giảm nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá. 
  • Cho trẻ uống nhiều nước. 
  • Giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm. 

Bệnh thuỷ đậu cũng là bệnh lý truyền nhiễm thường gặp ở trẻ

Trên đây là một số thông tin cần biết về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ và sự phát triển của trẻ mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ phải chủ động đề phòng và bảo vệ sức khoẻ của trẻ. 

Doctor4U là phòng khám hội tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, có hệ thống trang thiết bị hiện đại, dịch vụ tận tâm, không gian sang trọng. Chúng tôi cung cấp cho bạn và gia đình dịch vụ y tế chất lượng cao, trải nghiệm chăm sóc y tế hoàn hảo nhất.

Để được tư vấn trực tiếp về khám sức khỏe nhi khoa, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 024.32.212.212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon