Tin tức

Phát hiện sớm dấu hiệu tiểu đường nhờ xét nghiệm định lượng glucose

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Glucose là hợp chất quan trọng, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của con người. Trong cơ thể, lượng glucose luôn được duy trì ở một mức độ ổn định. Xét nghiệm định lượng glucose giúp đánh giá lượng đường trong máu, là cơ sở cho chẩn đoán bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường là bệnh gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose huyết thanh mạn tính phối hợp với rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid và protein do thiếu hụt tiết insulin, tác dụng của insulin hoặc cả 2. Phân loại bệnh: Đái tháo đường type I, đái tháo đường type II, đái tháo đường thứ phát và đái tháo đường thai kỳ.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh tiểu đường

1. Đái tháo đường type I

Bệnh thường bắt đầu ở người < 30 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường, có thể mắc các bệnh lý tự miễn phối hợp, triệu chứng lâm sàng rầm rộ: ăn nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều, gầy nhiều.

2. Đái tháo đường type II

Đối tượng thường là người lớn > 30 tuổi, triệu chứng lâm sàng ít rầm rộ, có thể được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ. 

3. Đái tháo đường thứ phát

Có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở những người mắc các bệnh lý mắc phải hoặc bẩm sinh liên quan đến tụy, sử dụng một số loại thuốc đặc biệt hoặc các nguyên nhân tự miễn khác. 

4. Đái tháo đường thai kỳ

Gặp ở phụ nữ mang thai, không phải tất cả phụ nữ mang thai đều mắc đái tháo đường thai kỳ. Định lượng glucose tăng trong quá trình mang thai sau đó sẽ trở về bình thường, ở một số người có thể trở thành đái tháo đường type II và cần duy trì điều trị lâu dài. 

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng cấp và mạn tính nguy hiểm. 

1. Biến chứng cấp tính

  • Hôn mê nhiễm toan ceton
  • Hôn mê nhiễm toan acid lactic
  • Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu

2. Biến chứng mạn tính

  • Đục thủy tinh thể
  • Xơ vữa mạch máu
  • Viêm đa dây thần kinh ngoại biên
  • Biến chứng xương và khớp
  • ….

Định lượng glucose máu giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường

Định lượng glucose là xét nghiệm đo lượng đường trong máu. Xét nghiệm định lượng glucose phát hiện sớm bệnh tiểu đường giúp người bệnh kiểm soát đường huyết, hạn chế biến chứng.

1. Đường huyết bình thường

Trong cơ thể con người luôn duy trì một mức đường huyết, tuy có dao động nhưng nằm trong khoảng nhất định. Mỗi người ở mỗi thời điểm khác nhau sẽ có chỉ số đường huyết khác nhau. 

  • Trạng thái bình thường: Đường huyết nằm trong khoảng 70-90 mg/dL (tương đương 3,9 – 5,55 mmol/L).
  • Khi hoạt động, lượng đường trong máu vào khoảng 82-110 mg/dL (tương đương 4,4 – 6,1 mmol/L).
  • Đường huyết sau ăn 2 tiếng có thể tăng đến 140 mg/dL (7,8 mmol/L).

2. Chỉ số đường huyết cảnh báo bệnh tiểu đường

  • Xét nghiệm đường máu lúc đói: 100-125 mg/dL ( 5,6 – 6,9 mmol/L)
  • Chỉ số HbA1c: 5,7% – 6,4%
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose: 140 – 199 mg/dL ( 7,8 – 11,0 mmol/L

Chẩn đoán xác định bệnh tiểu đường qua định lượng glucose

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường theo ADA (Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ) năm 2019: chẩn đoán đái tháo đường khi có 1 trong các tiêu chuẩn sau đây: 

  • Glucose huyết tương bất kỳ >= 11,1 mmol/L kèm theo các triệu chứng của tăng đường huyết (khát nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, gầy sút)
  • Glucose huyết tương lúc đói (nhịn ăn > 8-14 giờ) >= 7mmol/L trong 2 buổi sáng khác nhau.
  • Glucose huyết tương 2 giờ sau khi uống 75g glucose >= 11,1 mmol/L (Nghiệm pháp tăng đường huyết)
  • HbA1c >= 6,5%

Chế độ dinh dưỡng ổn định đường huyết

Chế độ ăn rất quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, đề kháng tốt và hạn chế tối đa biến chứng do bệnh tiểu đường. 

  • Hạn chế đồ uống có cồn: Uống rượu bia trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến gan, tụy, từ đó ảnh hưởng đến quá trình bài tiết insulin – một chất quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong tế bào, gây tăng đường huyết và cuối cùng dẫn đến bệnh tiểu đường.
  • Hạn chế đồ uống có gas và các loại đồ uống có sẵn: Uống đồ ngọt với lượng lớn sẽ khiến cơ thể đột ngột tiết ra nhiều insulin để cân bằng đường huyết. Duy trì thói quen này sẽ khiến chức năng tuyến tụy suy giảm, tăng nguy cơ mắc tiểu đường. 
  • Ăn nhiều rau xanh: Trong rau xanh chứa nhiều vitamin C, chất khoáng và Carotenoid, có tác dụng làm tăng độ nhạy của insulin. 

  • Hạn chế ăn thịt đỏ: Tiêu thụ thịt đỏ quá nhiều, đặc biệt khi chế biến bằng cách nướng, rán sẽ tạo ra các chất oxy hóa ảnh hưởng không tốt đến cơ thể, nhất là quá trình tiết insulin và làm giảm tính nhạy của insulin.
  • Ăn sáng đầy đủ: Nhịn đói trong thời gian dài ảnh hưởng đến chức năng của tuyến tụy – nơi sản xuất insulin. Ăn sáng điều độ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Ăn ngũ cốc: các loại ngũ cốc như lúa mì, yến mạch, gạo lứt không chỉ giúp ngăn chặn tiểu đường mà còn đem lại cơ thể khỏe đẹp, dẻo dai, giúp bạn tránh xa các bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,…

 

Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, mọi người cần tập luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng ở mức vừa phải. Định lượng glucose giúp phát hiện sớm bệnh tiểu đường, những người có triệu chứng nghi ngờ mắc tiểu đường hoặc các đối tượng nguy cơ: người thừa cân, béo phì, người nghiện rượu, rối loạn mỡ máu, suy gan, u tụy,… cần làm xét nghiệm định lượng glucose định kỳ để theo dõi đường huyết, tránh biến chứng. 

Hiện tại, Phòng khám bác sỹ gia đình Doctor4U đang triển khai các gói khám tiền hôn nhân nâng cao và cơ bản, với nhiều xét nghiệm kiểm tra bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ bác sĩ đầy kinh nghiệm sẽ mang đến cho gia đình trẻ sự chuẩn bị tốt nhất.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0936561212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon