Tin tức

Những điều cần biết về bệnh loãng xương ở người lớn tuổi

Tác giả: ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Khương
Ngày cập nhật: 07/12/2021

Bệnh loãng xương diễn biến từ từ và thầm lặng, người bị bệnh loãng xương không biết mình bị bệnh cho đến khi gặp phải biến chứng gãy xương. Chính vì xảy ra từ từ nên nhiều người lầm tưởng đây là bệnh thông thường không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trên thế giới thì đây là căn bệnh nguy hiểm phát triển nhanh chỉ sau bệnh tim mạch. Ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người gặp nguy cơ bị loãng xương, tỷ lệ này ở nam là 1/10.

1. Tổng quan bệnh loãng xương
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương được phản ánh thông qua hai yếu tố: khối lượng xương và chất lượng xương.
Loãng xương là bệnh khá phổ biến hiện nay ở người cao tuổi, là một vấn đề y tế và xã hội của mọi quốc gia. Do tỷ lệ loãng xương trong cộng đồng tương đương với tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và ung thư, bệnh loãng xương đã và đang trở thành vấn đề cần được quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong cộng đồng nhất là ở người cao tuổi và phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Bệnh diễn biến thầm lặng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh, có thể gây nên hậu quả nặng nề như gãy xương, tàn phế, mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ, giảm chất lượng cuộc sống….
Theo WHO, cứ 2 phụ nữ trên 85 tuổi sẽ có 1 người bị gãy xương và tương tự cứ 3 nam giới ở cùng độ tuổi có 1 người bị gãy xương. Ở Việt Nam, khoảng 20% phụ nữ Việt Nam trên 60 tuổi có triệu chứng loãng xương, ước tính hàng năm có 17.000 ca gãy cổ xương đùi ở nữ, 6.300 ca gãy cổ xương đùi ở nam và con số này sẽ tăng lên gấp 2 lần trong vòng 20 năm tới. Như vậy, hậu quả của bệnh loãng xương là khá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế xã hội của toàn cộng đồng.
2. Nguyên nhân loãng xương
Loãng xương thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ sau tuổi mãn kinh (do suy giảm nội tiết tố).
Loãng xương cũng có thể do một số nguyên nhân khác như cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, tiểu đường, nghiện rượu, nằm điều trị lâu tại giường, dùng một số thuốc như thuốc corticoid không đúng cách và kéo dài. Loãng xương do các nguyên nhân này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.
3. Diễn tiến của quá trình loãng xương
Loãng xương là tiến trình lão hoá tự nhiên của cơ thể, âm thầm nhưng nguy hiểm, đặc trưng bởi sự mất chất xương làm cho xương trở nên giòn và dễ gãy. Quá trình loãng xương kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi đã bắt đầu xuất hiện quá trình mất chất xương. Khi chất xương bị giảm trên 50%, thường khoảng vào tuổi 50-70, thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng. Loãng xương làm các đốt sống trở nên giòn, dễ gãy, dễ lún gây đau cột sống kéo dài thường xuyên, đau sẽ nhiều hơn khi ngồi lâu hoặc đứng lâu và đỡ đau khi nằm nghỉ. Đôi khi loãng xương cũng gây nên những cơn cấp tính dữ dội làm cho người bệnh rất hoang mang, lo sợ.

Theo thời gian, loãng xương tiến triển có thể gây ra biến dạng cột sống như gù lưng (hình ảnh bà còng đi chợ trời mưa), vẹo cột sống, làm người bệnh đi lại, vận động, lao động khó khăn, lún và xẹp cột sống lưng, thắt lưng, làm chiều cao giảm dần theo tuổi. Loãng xương ở các chi làm xương giòn dễ gãy khi va chạm nhẹ (ngã đập mông dễ gãy cổ xương đùi, ngã chống tay dễ gãy xương cẳng, cánh tay). Gãy xương ở người bệnh loãng xương thì quá trình liền xương sau gãy cũng rất chậm. Khi bệnh nhân nằm lâu, giảm hoặc mất vận động chi gãy, loãng xương sẽ càng tiến triển nặng hơn. Đây là vòng xoắn bệnh lý làm cho bệnh ngày càng trầm trọng, kèm theo là các biến chứng do nằm lâu như: viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, loét viêm các vùng tỳ đè. Hậu quả cuối cùng người bệnh có thể tử vong do các biến chứng.

5. Phòng ngừa loãng xương


Thường xuyên vận động để hạn chế loãng xương

Việc phòng ngừa loãng xương thật sự rất cần thiết và cần tiến hành sớm trên những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương như những người thừa cân, béo phì, nghiện rượu, người làm công việc ít vận động, người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh. Để phòng ngừa, cần lưu ý một số việc sau đây:
* Trong ăn uống: Nên ăn thức ăn chứa nhiều canxi như: rau xanh, tôm, cua, thịt trứng, sữa. Nên dùng loại sữa chứa nhiều canxi, ít ngọt, không béo (lưu ý không nên ăn quá nhiều dễ dẫn đến dư thừa thậm chí là béo phì). Tăng cường tắm nắng buổi sáng cũng giúp phòng ngừa loãng xương.
* Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày: Hoạt động thể thao thể dục, vận động cơ bắp làm hạn chế quá trình mất xương và tăng quá trình tạo xương. Thực tế cho thấy những người thừa cân béo phì, ít vận động thể thao, người liệt giường nằm lâu thì quá trình loãng xương xảy ra nhanh hơn bình thường. Khi vận động thể thao cần lưu ý: Tần số đều đặn hàng ngày, nhịp nhàng từ từ tăng dần theo khả năng của từng người, không nóng vội. Người đã bị loãng xương khi tập cần tránh các động tác gây hại cho cột sống (trồng chuối ngược, gập người về phía trước quá mức, chạy nhảy có thể làm lún xẹp thân đốt sống). Một số loại hình thể dục như đạp xe đạp, bơi lội, đi bộ (nếu không có tổn thương khớp gối, cột sống) có tác dụng rất tốt và phù hợp với sức khỏe người cao tuổi.

* Sử dụng thuốc an toàn hợp lý: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Hạn chế dùng kéo dài những loại thuốc có tác dụng gây ra loãng xương điển hình là thuốc có chứa corticoid (thuốc này thường bị lạm dụng đều trị đau nhức xương khớp). Không nên dùng thuốc theo sự mách bảo, không dùng thuốc không có thành phần, nguồn gốc rõ ràng (thuốc hoàn, thuốc tễ dễ bị trộn corticoid vào).
6. Phát hiện sớm loãng xương
Để phát hiện sớm bệnh loãng xương cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm, đo mật độ xương ở những người nguy cơ cao như: người có tiền sử dùng corticoid kéo dài, người gãy xương do va chạm nhẹ, hoặc gãy xương tự nhiên, phụ nữ sau mãn kinh, nam giới trên 60 tuổi, người nghiện rượu …
7. Lưu ý trong điều trị loãng xương
Tùy theo dạng loãng xương bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị riêng. Loãng xương là quá trình tiến triển âm thầm lâu dài vì vậy các thuốc điều trị loãng xương cũng có tác dụng rất chậm. Thời gian đều trị cần lâu dài (các thuốc biphosphonate thường phải dùng ít nhất 2-3 năm). Tốt nhất bạn phải dùng theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Tóm lại, loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm trong nhiều năm. Thời gian đầu, bệnh nhẹ và không có bất kỳ biểu hiện gì nên người bệnh không biết hoặc chủ quan không lo điều trị sớm. Cho đến khi xuất hiện tình trạng đau lưng hay gãy xương thì bệnh đã quá nặng. Lúc này việc điều trị rất khó khăn tốn kém và ít hiệu quả. Phòng ngừa bệnh và phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng, nhất là những người bước vào tuổi trung niên, phụ nữ sau tuổi mãn kinh đặc biệt là những trường hợp mãn kinh sớm, những trường hợp đang dùng thuốc có thể gây loãng xương. Cần lưu ý đến chế độ ăn uống, rèn luyện thân thể tập thể dục thể thao, không tự ý dùng các loại thuốc có thể gây loãng xương, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định theo dõi của bác sĩ.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon