Đột quỵ não là một trong những mảng lớn được y học hết sức quan tâm hiện nay. Cùng với sự gia tăng các bệnh tim mạch, tỷ lệ đột quỵ não cũng ngày một tăng cao. Rất nhiều khuyến cáo được đưa ra về việc dự phòng cho bệnh lý nguy hiểm này. Hãy cùng Doctor4U tìm hiểu về các cách dự phòng đột quỵ não qua bài viết dưới đây."/> Tin tức | doctor4u.vn

Tin tức

Dự phòng đột quỵ não

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Đột quỵ não là một trong những mảng lớn được y học hết sức quan tâm hiện nay. Cùng với sự gia tăng các bệnh tim mạch, tỷ lệ đột quỵ não cũng ngày một tăng cao. Rất nhiều khuyến cáo được đưa ra về việc dự phòng cho bệnh lý nguy hiểm này. Hãy cùng Doctor4U tìm hiểu về các cách dự phòng đột quỵ não qua bài viết dưới đây.

Đột quỵ não là gì?

Đột quỵ não, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là các thiếu sót thần kinh xảy ra đột ngột do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc. Nó là một trong năm nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn tật ở người trưởng thành. Liệt, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê thậm chí tử vong là những di chứng nặng nề đột quỵ để lại. Có thể chia nó làm hai thể chính:

– Nhồi máu não: Xảy ra khi mạch máu não bị nghẽn hoặc lấp.

– Xuất huyết não: Xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu thoát ra khỏi thành mạch vào nhu mô não hoặc khoang dưới nhện.

Những nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ?

Có thể chia nguyên nhân của đột quỵ não theo hai nhóm tương ứng với hai thể nhồi máu não và xuất huyết não:

1. Nhồi máu não

Gồm 4 nhóm nguyên nhân:

– Tắc mạch: Do xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch não, viêm động mạch, bóc tách động mạch cảnh, sống lưng, đáy não. Ngoài ra cũng có thể do có khối u chèn ép vào các động mạch não.

– Co mạch: Co mạch sau xuất huyết dưới nhện hoặc sau đau nửa đầu, sang chấn sọ não,…

– Lấp mạch: Có thể do nguồn gốc từ xơ vữa hoặc từ tim. Một số bệnh lý tim có khả năng tạo huyết khối là rung nhĩ, hẹp 2 lá, sa van 2 lá, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn,…

– Giảm tưới máu hệ thống: Do hạ huyết áp toàn thể hoặc hẹp động mạch lớn một bên.

2. Xuất huyết não

Có thể bị gây nên bởi những nguyên nhân sau:

– Tăng huyết áp: Thường gây xuất huyết ở động mạch não giữa.

– Vỡ túi phồng động mạch hoặc tĩnh mạch.

– Các bệnh gây chảy máu như bệnh bạch cầu, bệnh ưa chảy máu,…

– Xuất huyết do u.

– Xuất huyết thứ phát sau nhồi máu não.

Dự phòng đột quỵ não như thế nào?

Không những để lại nhiều di chứng nặng nề, đột quỵ não còn rất khó điều trị hiệu quả được. Bởi vì điều trị đột quỵ não yêu cầu người bệnh phải được đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Có khoảng thời gian vàng để có thể sử dụng tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu. Bệnh nhân xuất huyết não để càng lâu thì nguy cơ chèn ép và tụt kẹt não càng cao.

 Ở Việt Nam, phần lớn người bệnh được đưa đến bệnh viện khi đã trễ gây rất nhiều khó khăn cho việc điều trị cũng như giảm tỷ lệ cứu sống bệnh nhân. Mặt khác, chi phí để điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ cũng không hề nhỏ. Người bệnh bị tàn tật phần nào là một gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Vì thế “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Dự phòng đột quỵ não luôn là giải pháp hàng đầu để đối phó với căn bệnh này. Từ nguyên nhân, có thể chia thành những giải pháp dự phòng sau:

1. Điều chỉnh yếu tố nguy cơ

Trong các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não, có những yếu tố không thể thay đổi được như tuổi, giới, chủng tộc, di truyền. Nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố chúng ta có thể can thiệp được để giảm đi nguy cơ đột quỵ não cho bệnh nhân. Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được là:

1.1. Tăng huyết áp

Tăng huyết áp thúc đẩy sự hình thành các tổn thương xơ vữa động mạch. Nó là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất có thể điều trị được của đột quỵ não. Những người bị tăng huyết áp cần theo dõi và điều trị huyết áp thường xuyên để có thể kiểm soát tốt huyết áp đạt mức mục tiêu. Duy trì huyết áp tâm thu < 130 mmHg ở người trẻ tuổi và < 140 mmHg đối với người trên 65 tuổi.

1.2. Đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ gấp đôi so với những người không bị đái tháo đường. Sự suy giảm dung nạp glucose cũng có thể là một yếu tố nguy cơ đột quỵ não ở những người đã có cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Kiểm soát đường máu tốt là một cách dự phòng đột quỵ não hiệu quả vì nó giảm nguy cơ phát triển mảng bám động mạch.

1.3. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá có liên quan đến tăng nguy cơ đối với tất cả các loại đột quỵ. Ngoài ra, nó cũng có mối quan hệ chặt chẽ với việc đáp ứng điều trị. Không chỉ đột quỵ mà hút thuốc lá cũng dẫn đến rất nhiều bệnh mạn tính như COPD, ung thư phổi,… Vì thế, cần bỏ thuốc lá để có một cơ thể khỏe mạnh về lâu dài.

1.4. Rối loạn lipid máu

Cholesterol máu là một yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch. Chính vì thế, nó cũng có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ não do thiếu máu cục bộ. Tất cả mọi người nên có chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học để có thể điều chỉnh mỡ máu tốt nhất.

Hạ chỉ số LDL-Cholesterol và Triglyceride máu là một điều vô cùng cần thiết. Đồng thời, cũng cần tăng chỉ số HDL-Cholesterol. Những người bị rối loạn lipid máu cần điều trị thường xuyên với statin và đi tái khám định kỳ để kiểm tra.

1.5. Lười vận động thể chất

Lối sống tĩnh tại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trong đó có cả đột quỵ não. Tập thể dục tác động tích cực lên hầu hết những yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ. Nó làm hạ huyết áp, giảm mỡ máu, hạn chế xơ vữa động mạch,…

Mọi người nên duy trì tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày để dự phòng đột quỵ não. Có thể lựa chọn những hình thức như đi bộ, đạp xe, bơi lội để vận động. Nên hoạt động ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần là tốt nhất.

2. Dự phòng bằng thuốc

2.1. Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu

Chống ngưng tập tiểu cầu có tác dụng ngăn chặn hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, nó còn ngăn chặn hình thành huyết khối khi các mảng xơ vữa này nứt ra. Có hai loại chống ngưng tập tiểu cầu được sử dụng phổ biến trên lâm sàng hiện nay là aspirin và clopidogrel. Tùy từng bệnh lý mà ta áp dụng liệu pháp chống ngưng tập tiểu cầu đơn hoặc kép.

2.2. Thuốc chống đông

Gồm có thuốc kháng vitamin K và thuốc chống đông đường uống (NOAC). Thuốc chống đông thường được chỉ định để ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong các bệnh lý sau:

– Rung nhĩ.

– Bệnh cơ tim giãn.

– Bệnh lý van tim (hẹp hở van 2 lá, van động mạch chủ).

– Van tim cơ học.

– Huyết khối thất trái.

3. Phẫu thuật

Điều trị bệnh lý nguyên nhân là cách tốt nhất để dự phòng đột quỵ não. Một số bệnh lý cần được phẫu thuật hoặc can thiệp mạch. Ví như như bệnh van tim cần được thay van khi đã có chỉ định. Nên phẫu thuật tạo hình lại đối với trường hợp sa van hoặc dị dạng động mạch não. Đối với hẹp động mạch cảnh ta cũng có thể đặt stent động mạch.

Tóm lại, việc quản lý yếu tố nguy cơ và điều trị bệnh lý nền là vô cùng quan trọng trong dự phòng đột quỵ não. Mong rằng những thông tin Doctor4U đã cung cấp trên đây sẽ phần nào giúp bạn phòng tránh được căn bệnh nguy hiểm này. Bất kì khi nào có thắc mắc cần được tư vấn, hãy liên lạc với chúng tôi. 

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0936.561.212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon