Tin tức

Cách tự theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Người bệnh tim mạch nói chung và người bệnh tăng huyết áp thường được bác sĩ yêu cầu đo huyết áp tại nhà. Mục đích để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị bệnh và điều chỉnh thuốc nhằm giúp người bệnh chủ động theo dõi sức khỏe của chính mình tốt hơn. Vậy nên theo dõi huyết áp tại nhà như thế nào?

Tầm quan trọng của đo huyết áp tại nhà

Đo huyết áp là cách tự kiểm soát huyết áp của bản thân, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh huyết áp, người già có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, việc đo huyết áp tại nhà có thể góp phần kiểm soát sự tăng/giảm huyết áp bất ngờ để phòng tránh các nguy cơ tai biến do huyết áp gây ra như tai biến mạch máu não, đột quỵ… bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho hợp lý.

Về mặt tâm lý, khi kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại nhà bạn sẽ không còn cảm thấy lo lắng vì áp lực bệnh tật và có động lực để kiểm soát huyết áp của bạn tốt hơn.

Khi nào cần đo huyết áp

Từ 30 – 40 tuổi trở lên nên thường xuyên đo huyết áp, khoảng 1 tháng 1 lần. Nếu thấy huyết áp cao dù chỉ một chút thôi cũng cần đo nhiều lần hơn, ví dụ mỗi tháng 2-4 lần. Trường hợp có bệnh cao huyết áp thật sự, nên đo huyết áp nhiều lần hơn và tốt nhất nên đo hằng ngày. Nếu thấy cần thiết, bác sỹ có thể yêu cầu đo 2-3 lần/ngày hoặc nhiều lần hơn nữa. Chỉ nên dùng một loại máy đo huyết áp để theo dõi thường xuyên. Vì phải đo nhiều lần như vậy nên mỗi gia đình cần có một máy đo huyết áp cho việc kiểm tra huyết áp. Hiện nay, có nhiều loại máy đo huyết áp điện tử chạy bằng pin hoặc điện rất tiện cho người sử dụng và cho kết quả chính xác.

Bạn nên đo huyết áp hàng tuần, nếu huyết áp quá cao hoặc quá thấp thì cần liên lạc với bác sĩ để khám và tư vấn

Đo huyết áp đúng cách tại nhà

Đối với người mới được chẩn đoán tăng huyết áp hoặc người đang trong giai đoạn huyết áp không ổn định, bác sĩ thường yêu cầu đo nhiều lần trong ngày, có thể 3 – 6 lần, hoặc thậm chí nhiều lần hơn. Tuy vậy, ở những người huyết áp đã ổn định, bệnh đã ổn định thì chỉ cần đo 1 vài lần trong ngày là được. Quan trọng là người bệnh nên đo và ghi số đo huyết áp và nhịp tim vào sổ để tiện việc theo dõi trong thời gian dài. Điều này giúp bác sĩ điều chỉnh thuốc.

Ở các cơ sở y tế, bác sĩ thường đo bằng máy đo huyết áp cơ hoặc máy đo huyết áp thuỷ ngân. Tuy nhiên, hiện nay, các máy đo huyết áp điện tử cũng rất chính xác. Mặt khác, sử dụng máy đo huyết áp điện tử đơn giản hơn rất nhiều so với máy đo huyết áp cơ và máy đo huyết áp thuỷ ngân. Người bệnh có thể tự mình đo được huyết áp mà không cần nhờ người khác đo hộ. Điều quan trọng là nên chọn máy đo huyết áp đo ở bắp tay, không sử dụng máy đo huyết áp đo ở cổ tay vì đo ở bắp tay sẽ đo huyết áp động mạch cánh tay là huyết áp được khuyến cáo trong việc đo cũng như điều chỉnh thuốc. Như vậy, người bệnh có thể tự đo huyết áp bằng máy đo điện tử loại bắp tay tại nhà.

Hướng dẫn cách đo huyết áp

  • Người bệnh nên nghỉ ngơi 5 – 10 phút trước khi đo. Nghĩa là người bệnh không tập luyện, không đi lại, không sử dụng các chất kích thích trước đó 5 – 10 phút.
  • Người bệnh nên ngồi có ghế tựa và để 2 chân thẳng, không bắt chéo chân (tư thế đó giúp có chỉ số đo huyết áp chính xác hơn).
  • Đeo băng đo huyết áp vào tay (tay trái hoặc tay phải đều được), không quấn quá lỏng hoặc không quấn quá chặt.
  • Để máy đo ngang mức với tim
  • Trong quá trình đo huyết áp, không được nói chuyện hoặc cử động chân tay để con số huyết áp chính xác
  • Đo 2 lần, cách nhau khoảng 2 – 3 phút. Con số huyết áp là con số trung bình của 2 lần đo. Nếu 2 lần chênh nhau nhiều thì đo lần thứ 3.

Nếu huyết áp quá cao hoặc quá thấp, người bệnh cần liên lạc với bác sĩ để bác sĩ tư vấn cách sử dụng thuốc cho phù hợp.

Một số lưu ý khi đo huyết áp

  • Nghỉ ngơi: Tránh hút thuốc, đồ uống có caffeine, không tập luyện thể lực trong vòng 30 phút trước khi thực hiện cách đo huyết áp, đảm bảo nghỉ ngơi yên lặng trên 5 phút trước khi đo và làm trống bàng quang vì bàng quang đầy làm tăng 10 mmHg.
  • Không nói chuyện: Mất tập trung và nói chuyện làm tăng 10 mmHg.
  • Đo nhiều lần: Hơn 2 lần đo, cách nhau ít nhất 1 phút, đo huyết áp vào buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi tối trước khi ăn nhẹ, đi ngủ.
  • Nếu huyết áp tâm thu hoặc tâm trương cao nằm ngoài phạm vi cho phép, biểu tượng nhịp tim sẽ nhấp nháy khi kết quả đo được hiển thị. Nghiên cứu gần đây cho thấy các giá trị dưới đây được xem là huyết áp cao khi đo huyết áp tại nhà.
    • Huyết áp tâm thu (HA tối đa): Trên 135 mmHg.
    • Huyết áp tâm trương (HA tối thiểu): Trên 85 mmHg.

Máy đo huyết áp này có tính năng phát hiện nhịp tim không đều. Nhịp tim không đều có thể ảnh hưởng tới kết quả đo. Nếu kết quả đo bị ảnh hưởng bởi nhịp tim không đều nhưng kết quả có giá trị, kết quả sẽ hiển thị cùng với biểu tượng báo nhịp tim không đều. Nếu nhịp tim không đều làm cho kết quả đo không có giá trị, kết quả không hiển thị. Nếu biểu tượng nhịp tim không đều xuất hiện thường xuyên, hãy hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin về nhịp tim của bạn.

Bạn nên đo huyết áp hàng tuần, bắt đầu sau 2 tuần thay đổi chế độ điều trị và trong tuần trước khi đi khám lần kế tiếp và ghi lại chính xác các số đo, mang đến cho bác sĩ xem ở tất cả các lần khám. Huyết áp cần được lấy trung bình của ít nhất 2 lần đo để ra quyết định lâm sàng.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon