Tin tức

Bệnh nhân nhập viện vì cúm A tăng, bác sĩ chỉ cách phòng chống

Ngày cập nhật: 19/07/2022

Theo BS. Lê Văn Thiệu, cúm A thường xuất hiện rầm rộ vào mùa đông xuân, tuy nhiên thực tế năm nay cho thấy lượng người mắc cúm A ngay trong mùa hè.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cơ sở này mới đây tiếp nhận cùng lúc gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm. Bên cạnh đó, có cả học viên của một lớp học tiếng nước ngoài đến bệnh viện thăm khám.

Ở thời điểm đến bệnh viện, các bệnh nhân đều có triệu chứng tương đối giống nhau như: đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Qua test nhanh, hầu hết đều cho kết quả dương tính với cúm A.

BS. Lê Văn Thiệu thông tin hiện trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận, thăm khám cho khoảng 30 bệnh nhân cúm A đến khám, trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai.

Lý giải về việc thông thường cúm A xuất hiện vào mùa lạnh, nhưng thực tế năm nay cho thấy lượng người mắc cúm A ngay trong mùa hè, thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền. BS. Thiệu nói: “Cúm A, quai bị, thủy đậu…là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh.

Tuy nhiên, thực tế năm nay đang cho thấy số lượng người mắc cúm A tăng lên sớm hơn nếu tính theo năm nhưng theo chu kỳ bệnh thì là dịch cúm nay đến muộn hơn (tính theo mùa của mùa đông năm trước).

Có nhiều nguyên nhân, nhưng khách quan thì mùa cúm A năm trước trùng với đợt bùng phát Covid -19, do các biện pháp cách ly phòng bệnh Covid -19 khiến cho cúm không thể lây lan được, điều đó vô tình gây khó khăn cho cúm lây nhiễm và hoành hành.

Nhưng vô tình điều này làm một loạt kháng thể kháng cúm trong cộng đồng bị giảm mạnh và giảm sâu. Lý do là trong cộng đồng xuất hiện cúm ít và các biện pháp tiêm phòng vắc-xin cúm không được chú trọng do cộng đồng không có dịch.

Ngoài ra, kháng thể cúm hay không bền vững và sẽ giảm sau 3 đến 6 tháng…. Chưa kể chúng ta chưa thực sự sống trong mùa hè vì giờ đây ở nhà hay đến nơi làm việc đa phần đều sống trong điều hòa”.

Thông tin về việc những ai có nguy cơ mắc bệnh cúm A, nếu không được điều trị kịp thời thì có những hệ lụy như thế nào, BS. Thiệu cho hay: “Một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm như: Trẻ em < 5 tuổi; trẻ em < 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn > 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lý mạn tính (ví dụ: bệnh tim phổi, tiểu đường, suy thận hoặc suy gan, bệnh hemoglobin, suy giảm miễn dịch); phụ nữ trong ba tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ;

Bệnh nhân có tình trạng bệnh lý làm suy giảm việc bài tiết chất tiết ở đường hô hấp (ví dụ: suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh cơ, đột quỵ, các tình trạng động kinh); bệnh nhân ≤ 18 tuổi đang dùng aspirin (vì hội chứng Reye là một nguy cơ).

(Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân cúm A)

“Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn thường mất từ 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, viêm phổi do cúm hoặc liên quan đến cúm là nguyên nhân quan trọng gây bệnh hoặc tử vong trên những bệnh nhân có nguy cơ cao. Việc điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus ở những bệnh nhân này có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh đường hô hấp dưới và nằm viện. Liệu pháp kháng khuẩn phù hợp làm giảm tỉ lệ tử vong do viêm phổi do nhiễm khuẩn thứ phát”, BS. Thiệu cho biết thêm.

Để phòng, chống bệnh cúm A BS. Thiệu khuyến cáo nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm cho những người ≥ 6 tháng tuổi không có chống chỉ định.

“Vắc-xin cúm được tiêm hàng năm để duy trì hiệu giá kháng thể và cho phép thay đổi vắc-xin để bù cho lệch cấu trúc kháng nguyên. Tiêm vắc-xin hiệu quả nhất là vào mùa thu, do đó, hiệu giá kháng thể sẽ cao trong mùa cúm là mùa đông, tuy nhiên, mùa cúm năm nay đến vào đầu hè. Hiện tại là thời điểm thích hợp để tiêm phòng cúm nếu chưa mắc và tiếp tục tiêm mũi tiếp theo vào cuối thu năm nay”, BS. Thiệu nói.

Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn, dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ.

Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì thế tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Và cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm

Nguồn: nguoiduatin.vn

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon