Tin tức

Đột quỵ não và cách nhận biết sớm

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Đột quỵ não (Tai biến mạch máu não) là nguyên nhân tử vong hay gặp đứng hàng thứ ba (sau bệnh mạch vành và ung thư) và là nguyên nhân chính của tàn phế.Theo thông báo chung của tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ hiện mắc của đột quỵ là 500 - 800/100.000 dân. Ở Việt Nam tỷ lệ hiện mắc dao động từ 104/100.000 dân một số quận (ở Hà Nội) và 409/100.000 dâm ( TP. Hồ Chí Minh). Đặc biệt, đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh trong độ tuổi trung niên (đặc biệt từ 40-45 tuổi) hay thậm chí xuất hiện ở cả tuổi thanh niên.
  1. Đột quỵ não

1.1. Đột quỵ não là gì?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.

1.2. Phân loại

Đột quỵ thường được xác định một trong hai dạng sau:

  • Đột quỵ do thiếu máu não chiếm 75% – 85 % tất cả các trường hợp đột quỵ nguyên nhân bởi tắc nghẽn động mạch. Tắc mạch do cục máu đông, bong mảng xơ vữa hoặc mảng xơ vữa gây tắc mạch tại chỗ, do giảm lưu lượng máu.
  • Đột quỵ do chảy máu não chiếm khoảng 10% – 20% nguyên nhân bởi rách thành động mạch gây ra chảy máu vào trong nhu mô não hay não thất, khoang dưới nhện xung quanh não – chảy máu màng não.

Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp cơn thiếu máu thoáng qua (Transient Ischemic Attack – TIA). Tình trạng này được gây ra bởi lấp mạch do cục huyết khối nhỏ (cục huyết khổi được hình thành từ các mảnh calcium và mảng chất béo) gây nghẽn mạch máu đến não. TIA có triệu chứng giống đột quỵ kéo dài một vài phút , thường dưới 1-2 giờ và không gây tổn thương sau đó. Tuy nhiên nó là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thật sự có thể xảy ra trong tương lai nếu không được phòng ngừa.

  1. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não

2.1. Nhóm các yếu tố không thể tác động thay đổi được:

  • Tuổi cao: Người cao tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới
  • Yếu tố gia đình hoặc di truyền: Gia đình có người thân từng bị đột quỵ, người trong gia đình đó có nguy cơ cao hơn người bình thường.

2.2. Nhóm các yếu tố có thể tác động thay đổi được:

  • Tăng huyết áp: Khi huyết áp tăng cao, áp lực dòng máu lên thành động mạch mạnh hơn, thành mạch dễ bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não.
  • Đái tháo đường: Một trong các biến chứng nặng của đái tháo đường là gây đột quỵ tim và đột quỵ não.
  • Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch : rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim, các bệnh van tim,… có nguy cơ bị đột quỵ não cao hơn.
  • Rối loạn lipid máu: Tăng cholesterol gây xơ vữa động mạch.
  • Người thừa cân, béo phì: Tăng nguy cơ béo phì vì dễ mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch,…
  • Hút thuốc: Theo CDC (Trung tâm kiểm soát dịch bệnh), một người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao gấp hai đến bốn lần so với người không hút thuốc. Các hóa chất có trong khói thuốc có tác động đến toàn bộ thành phần của hệ tuần hoàn và cơ quan tạo máu; làm cho thành mạch dày hơn và dễ  hình thành cục máu đông hơn. Bên cạnh đó nó cũng gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp, dẫn đến sự hình thành mảng bám làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
  1. Triệu chứng thường gặp và cách sơ cứu

3.1. Triệu chứng

  • Đột ngột yếu hoặc tê mặt, tay hoặc chân, đặc biết ở một nửa cơ thể có thể kèm rối loạn cảm giác.
  • Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng
  • Rối loạn ý thức
  • Thị lực giảm, mờ mắt, không nhìn rõ một hoặc hai bên mắt
  • Mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, hoặc mất khả năng phối hợp động tác
  • Đau đầu dữ dội, cơn đau đột ngột, có thể gây buồn nôn, nôn.

Các chuyên gia y tế, y bác sỹ nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST”:

  • F(face): Phần mặt hoặc miệng đột nhiên bị méo. Bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu “cười” để được quan sát rõ hơn.
  • A(Arms):Tay chân một bên đột nhiên như không có cảm giác. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu giơ cả hai tay lên, sau khi kiểm tra bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước thì bên đó được kết luận bị liệt.
  • S(speech): Đột nhiên  nói ngọng hoặc không phát âm không rõ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nói lặp lại một câu đơn giản nào đó.
  • T(Time): Nhanh chóng ghi nhớ thời gian, lập tức đưa đến bệnh viện

Chỉ cần có bất kỳ 1 trong 3 biểu hiện trên thì chắc chắn khả năng đột quỵ não lên đến 7 phần, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

3.2. Cách sơ cứu cho người bị đột quỵ não:

  • Đặt người bệnh nằm nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo nằm tư thế đầu nghiêng, nâng nhẹ đầu.
  • Kiểm tra mạch, nhịp thở, huyết áp của người bệnh.
  • Khai thông đường thở: Lau đờm dãi, loại bỏ các dị vật trong miệng như răng giả, thức ăn thừa.
  • Không tự ý cho người bệnh dùng thuốc, ăn uống bất cứ thứ gì
  • Trong trường ngừng thở ngừng tim, ngay lập tức tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần/phút)
  1. Cách ngăn ngừa đột quỵ
  • Kiểm soát và điều trị tốt các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não như tăng huyết áp, bệnh tim thực tổn, đái tháo đường, hút thuốc,…
  • Đối với bệnh tăng huyết áp cần phải uống thuốc hạ huyết áp thường xuyên và theo dõi huyết áp tại nhà và định kỳ tại cơ sở y tế.
  • Kết hợp các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu trừ khi có chống chỉ định.
  • Đối với bệnh đái tháo đường cần phải uống thuốc cần tiêm insulin để giữ đường máu ở mức bình thường và theo dõi đường máu định kì tại nhà và định kì tại cơ sở chuyên khoa nội tiết.

Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu… Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ não hiệu quả.

  • Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc
  • Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ
  • Hạn chế ăn mặn
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn vừa đủ không ăn quá no
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh
  • Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường
  • Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa hạt.

 

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon