Tin tức

Chỉ số acid uric cho biết điều gì? Bao nhiêu được xem là bình thường?

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Acid uric là một sản phẩm tự nhiên trong quá trình chuyển hoá nucleotide purine trong cơ thể, loại nucleotide này có mặt trong thực phẩm mà con người tiêu thụ hàng ngày. Chỉ số acid uric chính là “màn hình TV siêu mỏng” cho bạn thấy được lượng acid uric trong máu, từ đó đánh giá mức độ và hỗ trợ trong chẩn đoán. Vậy chỉ số acid uric nói lên điều gì? Bao nhiêu được xem là bình thường? Hãy cùng Doctor4U tìm hiểu kỹ hơn về “con số” thú vị này nhé!

Acid uric từ đâu mà có?

Là một nucleotide có trọng lượng phân tử 169 Dalton và công thức C5H4N4O3, acid uric trong cơ thể được tổng hợp từ hai con đường: Nội sinh và ngoại trinh.

– Nội sinh: Nhân tế bào khi già và chết đi, nhân purin của nó sẽ bị phá hủy và bước vào quy trình thoái hóa hình thành acid uric nội sinh.

– Ngoại sinh: Một số thực phẩm giàu purin như: nội tạng động vật, hải sản, xúc xích, thịt đỏ, bia, rượu vang,…

Hầu hết acid uric được đào thải qua nước tiểu (400-1000mg/ngày) và một phần nhỏ qua phân (100-200 mg/ ngày).

Chỉ số acid uric cho biết điều gì?

Nồng độ acid uric trong máu được giữ ở mức cho phép là nhờ sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đảo thải trong cơ thể. Khi có sự rối loạn ở một trong hai quá trình này, trạng thái cân bằng bị phá vỡ gây nên tình trạng tăng hoặc hạ acid uric máu, trên lâm sàng thường gặp tăng nhiều hơn.

1.    Tăng acid uric

Tăng acid uric là dấu hiệu cảnh báo cho chế độ ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đạm, bước chân quá nhiều vào bàn nhậu hay thận của bạn đang phất “cờ trắng” vì đang suy yếu và còn nhiều yếu tố liên quan khác.

Có thể nghĩ đến một vài chứng bệnh liên quan đến triệu chứng tăng acid uric máu đáng lưu tâm:

–  Bệnh gout, viêm khớp cấp tính.

– Rối loạn chức năng thận, suy thận cấp, sỏi thận.

– Các bệnh liên quan đến bạch cầu như rối loạn tủy xương.

– Ung thư di căn.

– Do thiếu hụt enzyme chuyển hóa purin.

– Bệnh thiếu máu do tan máu.

– Suy tim ứ huyết.

– Nhiễm toan lactic.

– Các bệnh lý làm phá hủy tế bào quá mức như: lơ xê mi, các bệnh lý ác tính, vẩy nến,…

Ngoài ra, có một số thuốc có thể làm tăng acid uric đáng chú ý để tránh ảnh hưởng đến chẩn đoán và quá trình điều trị như: corticoid, thuốc lợi tiểu, aspirrin, thuốc chống lao,…

2.   Hạ acid uric

Trường hợp chỉ số acid uric thấp hơn bình thường có thể gặp ở một số bệnh lý, điển hình:

– Hội chứng Fanconi, đây là bệnh hiếm gặp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ống    lọc của thận.

– Bệnh Wilson, là bệnh lý di truyền

– Rối loạn chức năng gan, thận

– Chế độ ăn thiếu đạm

– Hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu

-Tổn thương ống lượn gần,…

Một số thuốc gây tăng thải acid uric qua nước tiểu như: Benzbromaron, Allopurinol Probenecid (liều cao), Cortisol, thuốc cản quang,…

 

Giới hạn bình thường của acid uric

“Ranh giới” bình thường của acid uric thay đổi theo giới tính. Ở nữ giới, giá trị bình thường nằm trong khoảng 2,5-7,5 mg/dL. Còn đối với nam giới chỉ số acid uric nằm trong khoảng 4,0-8,5 mg/dL thì được xem là bình thường. Tuy nhiên, giá trị này có thể xê dịch ở trong một số điều kiện.

Tuy nhiên để có một kết quả chính xác, trước tiên quy trình lấy bệnh phẩm cũng phải chính xác. Thủ thuật này được thực hiện khá nhanh chóng, người bệnh sẽ được lấy máu tĩnh mạch, khoảng 2ml và chuyển đến phòng thí nghiệm để đưa ra kết quả.

Đáng lưu ý rằng chỉ số acid uric có thể bị sai lệch khi bệnh nhân uống rượu hoặc dùng các thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin, theophylin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, corticoid hay các chế phẩm từ vitamin,…Vì thế bác sĩ cần hỏi rõ bệnh nhân trước khi thực hiện thủ thuật và bệnh nhân có trách nhiệm khai báo chính xác, rõ ràng tránh ảnh hưởng đến kết quả và chẩn đoán.

 

Giải pháp “chỉnh đốn” khi acid uric bất thường

Hiện thực đã chứng minh, tăng acid uric gây ra vô vàn nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Vậy làm cách nào để khắc phục tình trạng này? Bạn sẽ được giải đáp thắc mắc ngay sau đây.

1. Chế độ ăn uống

Rất nhiều người đang mắc kẹt giữa hai ngã rẽ “ta chỉ sống một lần trên đời” và “hãy sống có nguyên tắc và kế hoạch”, tuy nhiên để sống một lần mà không hoang phí thì mọi thứ đều phải có giới hạn của nó. Và chế độ ăn cũng vậy, để có một sức khỏe tốt bạn cần biết lựa chọn những tập phẩm nên và không nên sử dụng. Đặc biệt là những bệnh nhân có tình trạng chỉ số acid uric tăng cao.

Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn:

– Nên uống nhiều nước, để tăng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể

– Nên sử dụng những loại thịt trắng như: thịt gà, thịt cá sông, …vì những loại thịt trắng chứa ít purin hơn thịt đỏ.

– Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm xanh chứa ít purin như: cherry,cần tây, rau chân vịt, cải bẹ xanh, súp lơ, dưa chuột,…

– Bổ sung các loại hạt là điều cần thiết cho thực đơn của bạn

– Hạn chế các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp,… chúng chứa một lượng purin “khủng khiếp” khiến bệnh tình của bạn nặng hơn rất nhiều.

– Nói không với bia rượu nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe

– Nên ưu tiên cách chế biến tối giản và hạn chế các món chiên ngập dầu,…

2. Chế độ tập luyện

Một chế độ luyện tập phù hợp sẽ góp phần giúp chỉ số acid uric “chạy mất dép” và quay về trạng thái cân bằng.

Vậy vận động như thế nào là khoa họ, là phù hợp cho bệnh nhân? Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người để thiết lập một chế độ phù hợp, dưới đây là một vài bài tập gợi ý:

– Đi bộ, chạy bộ, đạp xe

– Yoga

– Đánh cầu lông

– Thiền

– Chơi bóng bàn,…

Đôi khi một vài con số vô cảm lại nói lên nhiều điều như thế đấy. Chỉ số acid uric như một “tình báo” cho bạn thấy được tình trạng sức khỏe của bản thân hiện tại, từ đó đưa ra “chiến lược tác chiến” phù hợp. Hy vọng rằng bài viết của Doctor4U mang lại nhiều thông tin thú vị cho bạn đọc.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.
Tải ứng dụng Doctor4U để đặt nhanh hơn, theo dõi thuận tiện hơn!
icons8-exercise-96 chat-active-icon